TP.HCM 'loại' cụm công nghiệp để tránh lãng phí đất

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/10/2024 11:30 GMT+7

"Việc loại bỏ cụm công nghiệp đôi khi sẽ giúp chính quyền địa phương định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả hơn", TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM nhấn mạnh.

Để có môi trường kêu gọi đầu tư thuận lợi hơn

Trước đề xuất đưa 23 cụm công nghiệp nhỏ khỏi quy hoạch do một số đã được chuyển thành điểm công nghiệp; hạ tầng không còn phù hợp tình hình phát triển hay cụm công nghiệp nay đã được chuyển thành khu công nghiệp… chuyên gia kinh tế, TS Trần Quang Thắng cho rằng, việc "loại bỏ" các cụm công nghiệp này sẽ mang lại một số tác động quan trọng.

Cụ thể, rất nhiều cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch, nhưng bao năm qua nằm yên chờ nhà đầu tư, rất lãng phí. Thế nên, việc mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch sẽ giúp thành phố khai thác hợp lý quỹ đất, chuyển đổi các khu vực không còn phù hợp hoặc có hiệu quả sử dụng thấp sang các mục đích khác có giá trị kinh tế cao hơn.

TP.HCM 'loại' cụm công nghiệp để tránh lãng phí đất- Ảnh 1.

Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) giờ tan tầm (ảnh chụp chiều 30.9.2024)

ẢNH: NHẬT THỊNH

Thứ 2, việc điều chỉnh quy hoạch hợp lý hơn sẽ giúp tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có quy mô lớn và công nghệ cao.

Thứ 3, các cụm công nghiệp nhỏ nếu được chuyển đổi chức năng để phù hợp với tình hình phát triển của địa phương sẽ có hiệu quả sử dụng tốt hơn. Bởi thực tế có nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã có sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, thay đổi hạ tầng, công năng phát triển...

Thứ 4, khi các khu vực được chuyển đổi, vùng đất đó sẽ có cơ hội cải thiện hạ tầng hơn. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây.

Vì sao TP.HCM ‘loại’ cụm công nghiệp

Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp xanh

Chia sẻ về quan điểm phát triển các khu công nghiệp tại TP.HCM để thu hút đầu tư, đặc biệt chuyển đổi các khu công nghiệp có lịch sử, từng đóng góp lớn vào phát triển của TP.HCM, ông Thắng cũng cho biết, việc chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được thực hiện thí điểm. Điều quan trọng là cần có chính sách cho doanh nghiệp đồng ý di dời, chuyển đổi.

Lấy dẫn chứng cho Khu chế xuất Tân Thuận, TS Trần Quang Thắng nói: Đây là một trong những khu công nghiệp đầu tiên tại TP.HCM, có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, với thời gian hoạt động dài, Tân Thuận này đang đối mặt với vấn đề hết hạn sử dụng đất và cần được tái cơ cấu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông Thắng nêu quan điểm: "Một số khu công nghiệp đã được loại bỏ khỏi quy hoạch do không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội hoặc do hiệu quả sử dụng đất không cao. Với tốc độ và nhu cầu phát triển của TP.HCM, tôi nghĩ chính sách này là hoàn toàn hợp lý. Mục đích tối ưu hóa sử dụng đất và tạo điều kiện cho các dự án phát triển khác".

TP.HCM 'loại' cụm công nghiệp để tránh lãng phí đất- Ảnh 2.

Cạnh tranh thu hút đầu tư bằng khu công nghiệp xanh, thân thiện môi trường... cũng là kế hoạch TP.HCM đang hướng tới

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Theo định hướng của TP.HCM, Khu chế xuất Tân Thuận sẽ không chuyển đổi thành đất ở mà sẽ tập trung vào các dự án công nghệ cao, dịch vụ thương mại và hậu cần cho trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm", ông Thắng nhấn mạnh.

Mặt khác, các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng, do đó nhất thiết phải tập trung vào đầu tư xanh trong khu công nghiệp theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, và sinh khối để giảm phát thải CO2. Thế nên, việc tối ưu hóa quy trình xử lý và tái chế chất thải công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm; sử dụng các công nghệ tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải đã qua xử lý; áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn và hiệu quả hơn để giảm lãng phí tài nguyên… là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó cần phải thực hiện việc thiết kế các khu công nghiệp với không gian xanh, hệ thống giao thông thân thiện với môi trường và các tiện ích công cộng bền vững nhằm nâng cao chất lượng sống con người, cạnh tranh thu hút đầu tư...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.