Ba tỉ phú USD ở TP.HCM
Báo cáo "Thành phố giàu có nhất thế giới năm 2023" (The Wealthiest Cities in the World in 2023) do Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners và New World Wealth công bố mới đây cho biết TP.HCM đang có 7.700 người có tài sản trên 1 triệu USD, 15 người có tài sản từ 100 triệu USD và 3 tỉ phú USD. Theo báo cáo, danh sách Top 10 thành phố chứng kiến tốc độ tăng dân số siêu giàu nhanh nhất thế giới trong thập niên qua thì Hàng Châu (Trung Quốc) đứng ngôi đầu với mức tăng 105%; Austin (Mỹ) đứng thứ hai khi có mức tăng 102%; Thâm Quyến (Trung Quốc) đứng thứ ba với mức tăng 98%... Trong đó, TP.HCM đứng vị trí thứ 9 khi có số triệu phú USD tăng 82%. Trong danh sách chung, TP.HCM đứng 67/97 thành phố giàu có nhất thế giới. Báo cáo xét độ giàu có (wealth) là quy mô tài sản bao gồm bất động sản, tiền mặt và cổ phần trong công ty của các cư dân sinh sống tại thành phố đó. Theo ông Andrew Amoils, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu tài sản New World Wealth - đơn vị hợp tác đưa ra báo cáo trên cùng Henley & Partners, TP.HCM đang nổi lên là một điểm nóng tiếp theo về triệu phú của châu Á. Thành phố này ghi nhận sự tăng trưởng của các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, dệt may, công nghệ, điện tử, viễn thông, hóa chất và du lịch.
Trước đó, Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank công bố năm 2022 cũng cho biết số người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) tại VN trong năm 2021 là 1.234 người và số triệu phú USD là 72.135 người.
Dự báo, đến năm 2026, số người siêu giàu tại VN sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm, đạt 1.551 người và số triệu phú đến năm 2026 dự kiến là 114.807 người. Nhưng nếu chỉ xét theo số lượng siêu triệu phú hay còn được gọi là những người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD, theo Knight Frank, VN đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, VN) với 1.234 người (con số này cao hơn nhiều so với các cá nhân có trên 30 triệu USD trên sàn chứng khoán).
Tài sản các tỉ phú tăng mạnh
Quý 1/2023, VN-Index tăng 5,71% so với cuối năm 2022. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.400 tỉ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2022. Điều này khiến tài sản của nhiều tỉ phú sụt giảm nhưng vẫn giữ vị trí người giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt. Trong đó, có 6 tỉ phú USD của VN tiếp tục được ghi nhận trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố đầu tháng 4.
Đó là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco Group) Trần Bá Dương.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu số người giàu tại VN khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỉ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với con số 6,2 tỉ USD theo ước tính của Forbes vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính riêng trên sàn chứng khoán VN, tỉ phú Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất liên tục từ năm 2010 đến nay.
Không chỉ thế, tài sản của vị tỉ phú này cũng tăng nhanh gấp trên 5 lần sau hơn một thập niên so với con số khoảng hơn 800 triệu USD vào năm 2010. Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air cũng tiếp tục có tên trong danh sách các tỉ phú thế giới với tài sản trị giá 2,3 tỉ USD - xếp hạng 1.318 trên toàn cầu. So với 1 năm trước, tài sản bà Thảo cũng bị giảm 800 triệu USD.
Trong khi đó, "vua thép" Trần Đình Long từ vị trí thứ 2 trong danh sách tỉ phú USD của VN trong năm trước nay lùi xuống thứ 3 với tài sản đạt 1,8 tỉ USD. Giá cổ phiếu Hòa Phát giảm mạnh trong thời gian qua là nguyên nhân khiến tài sản của ông Long giảm sâu, sụt mất 1,4 tỉ USD sau 1 năm.
Người có thứ hạng gia tăng là ông Trần Bá Dương của Tập đoàn ô tô Trường Hải. Năm nay ông Trần Bá Dương được ước tính có tài sản trị giá 1,5 tỉ USD, đứng ở vị trí thứ 4. Tài sản tỉ phú Trần Bá Dương chỉ giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2022.
Tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, hiện sở hữu tài sản trị giá 1,5 tỉ USD, giảm 800 triệu USD và cuối cùng là tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, có khối tài sản 1,2 tỉ USD, thấp hơn 700 triệu so với 1 năm trước.
5/6 tỉ phú USD của VN nói chung đều là những người giàu trên sàn chứng khoán Việt (trừ ông Trần Bá Dương khi Tập đoàn ô tô Trường Hải chưa niêm yết cổ phiếu) trong hơn chục năm qua. Tất cả tài sản của các tỉ phú này đều đã tăng gấp nhiều lần. Ví dụ năm vừa qua, tài sản của tỉ phú Trần Đình Long giảm sâu khi ngành thép rơi vào tình trạng "khó khăn chưa từng thấy" như chính ông đã dự báo tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 nhưng ước tính tài sản của vị doanh nhân này cũng đã tăng gần gấp đôi nếu so với năm 2010 khi ông đang giữ vị trí người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán VN.
Những người giàu mới xuất hiện
Trong những năm gần đây, số lượng người giàu được thống kê trên sàn chứng khoán đã tăng khá nhiều khi vốn hóa các công ty liên tục đi lên nhờ quy mô mở rộng và giá cổ phiếu cũng tăng. Nếu như năm 2010, tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đạt khoảng 48.426 tỉ đồng thì kết thúc năm 2022, top 10 người đứng đầu đã tăng gấp 6 lần, đạt 290.000 tỉ đồng mặc dù năm vừa qua lượng tài sản của họ đã bốc hơi gần một nửa so với năm 2021.
Với tiềm năng phát triển kinh tế của TP.HCM mà mới chỉ có vài ngàn người giàu thì không phải là nhiều. Hay như với cả nước chỉ có vài chục ngàn người giàu trên cả trăm triệu dân thì có thể gọi vẫn là ít. Vì vậy các tổ chức quốc tế dự báo số lượng người giàu của VN nói chung hay thành phố nói riêng sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới là không có gì quá khó hiểu mà đó là tất yếu.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Ngoài những tên tuổi quen thuộc từ các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, Masan, Thế Giới Di Động hay khối ngân hàng gồm Techcombank, Sacombank, VIB… thì gần đây cũng xuất hiện những gương mặt mới. Đó là ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của hai công ty trên sàn chứng khoán gồm Sunshine Homes (mã chứng khoán SSH); Tập đoàn KSFinance (mã chứng khoán KSF) và là cổ đông lớn tại Công ty CP Tập đoàn xây dựng SCG (mã chứng khoán SCG).
Với việc cả ba cổ phiếu trên đều lên niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán trong năm 2021 đã khiến cho ông Đỗ Anh Tuấn lọt vào top những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2021 ở vị trí thứ 6 và năm 2022 thậm chí vươn lên vị trí thứ 2 chỉ sau tỉ phú Phạm Nhật Vượng khi tài sản có giá trị gần 30.000 tỉ đồng…
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc số lượng người giàu của TP.HCM nói riêng hay VN nói chung đang tăng nhanh là điều dễ hiểu. Bởi xét chung trên tổng thể, kinh tế VN sau 30 năm đổi mới và phát triển luôn có tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm ở mức cao. Môi trường thúc đẩy và cơ hội phát triển kinh tế tư nhân ngày càng rộng mở, từ đó hình thành nên số lượng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nhiều hơn. Những doanh nghiệp năng động đổi mới đã có thành công và lớn mạnh, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng như bất động sản, thép, ngân hàng tài chính hay các ngành có thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, TP.HCM là thành phố năng động, đóng góp lớn nhất vào quy mô kinh tế chung của cả nước nên cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ có sự tăng tốc đáng kể.
Bình luận (0)