TP.HCM mở rộng luồng xanh hàng hóa

14/09/2021 06:44 GMT+7

Thêm nhiều lộ trình luồng xanh tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải tiếp cận dễ dàng với đầu mối nguồn hàng, khơi thông chuỗi cung ứng trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội .

Thêm nhiều hướng tiếp cận kho hàng

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản thông báo hướng dẫn về các lộ trình mà phương tiện đăng ký luồng xanh được đi qua, đi vào địa bàn TP.
Thông báo gồm 11 lộ trình từ các tỉnh miền Tây và một số địa phương lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu di chuyển qua địa bàn TP.HCM; 12 tuyến đường từ Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Dương đi đến sân bay Tân Sơn Nhất; 4 lộ trình đi tới ga Sài Gòn; 6 hướng đi tới cảng Cát Lái; 6 lộ trình tới các cảng dọc sông Sài Gòn. Ngoài ra, còn có cụ thể các tuyến đường xe có luồng xanh đi từ các địa phương tới một số khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm các khu công nghiệp dọc quốc lộ 1 và khu vực Chợ Lớn. Tổng cộng, có 63 lộ trình tạo luồng xanh cho các phương tiện ngoại tỉnh đi, đến TP.HCM trong thời gian TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Quán bún Sài Gòn hiếm hoi mở bán online: Vài tiếng đã hết sạch hàng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, cho biết từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sở GTVT đã xây dựng một số luồng, tuyến vận chuyển cho các xe đăng ký luồng xanh nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đồng thời kiểm soát được cung đường đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Giai đoạn trước, có khoảng hơn 10 lộ trình được xây dựng để các phương tiện đăng ký luồng xanh. Tuy nhiên, theo quy định tại Công văn số 6102 của Tổng cục Đường bộ VN, từ 1.9, Sở GTVT TP.HCM dừng tiếp nhận, cấp Giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua các đơn vị đầu mối. Các đơn vị, chủ phương tiện vận tải hàng hóa thực hiện việc đăng ký luồng xanh, sử dụng Giấy nhận diện có mã QR trực tiếp trên trang web của Tổng cục Đường bộ.
“Theo yêu cầu của Bộ GTVT và Công an TP.HCM, Sở GTVT đã xây dựng chi tiết lộ trình, bổ sung thêm nhiều tuyến đường kết nối tới các đầu mối hàng hóa như khu sân bay, các cảng, bến, khu chế xuất công nghiệp. Các lộ trình được xây dựng rõ ràng nhằm tạo thuận lợi trong việc đăng ký đối với các phương tiện tại phần mềm kê khai thông tin giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa theo đường link của Bộ GTVT”, ông Đường thông tin.
Bà Lâm Thị Mầu, Chủ tịch HĐQT Công ty vận tải Đường Việt, chia sẻ giai đoạn trước, luồng xanh là nỗi ám ảnh của DN vận tải. Xe có luồng xanh, tài xế có đầy đủ giấy tờ nhưng các địa phương mỗi nơi quy định một kiểu, giao nhận hàng hóa vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, DN vận tải chỉ là khâu trung gian kết nối, không chủ động được nguồn hàng, hôm nay DN này gọi chở hàng tuyến này, từ điểm A tới điểm B nhưng có thể ngày mai DN khác lại kêu nhận hàng tuyến khác, từ điểm C tới điểm D. Một ngày có thể có từ 2 - 3 lộ trình khác nhau. Việc phải đăng ký theo số ít luồng chạy cố định, không thay đổi khiến DN gần như bị “bó chân”.

Sau 30.9, người dân TP.HCM có cần giấy đi đường nữa không?

Đường thoáng, xe hàng vẫn khó đi

“Luồng” đã xanh, song theo bà Lâm Thị Mầu, các DN vận tải hiện đang rất khó khăn do nguồn hàng khan hiếm. TP.HCM siết chặt Chỉ thị 16, các tỉnh miền Tây cũng giãn cách xã hội khiến nhiều DN sản xuất phải ngưng hoạt động, hàng không có thì xe cũng không còn gì để chạy. Bên cạnh đó, công ty vận tải muốn hoạt động thì phải nuôi quân, áp dụng “3 tại chỗ”. Một ngày doanh thu được khoảng 200.000 đồng thì tiền nuôi quân ngốn tới 300.000 đồng. Cứ 3 ngày, tài xế lại phải xét nghiệm Covid-19, chi phí đội lên rất lớn.
“Nếu không gồng mình nuôi quân, lỡ có khách hàng kêu thì không có tài xế, tới lúc chạy lại, chủ hàng bỏ mình hết. Cố làm thì ngày càng kiệt quệ. Mặt khác, thuế, phí DN vẫn phải đóng đều, không được chậm, giãn ngày nào. Nếu chỉ thông mỗi luồng xanh mà không mở cửa cho sản xuất hoạt động, không nhanh chóng có chính sách hỗ trợ thì luồng xanh cũng chẳng còn ý nghĩa, DN vận tải tại TP.HCM e khó cầm cự thêm nổi”, vị này lo ngại.
Ông N.T.Long, đại diện một DN logistics hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ có trụ sở tại Q.7, TP.HCM, giờ lại khốn khổ với việc xin giấy đi đường cho lực lượng lao động. Theo ông Long, công ty ông có lực lượng tài xế hơn 30 người, hơn 10 chiếc xe đã được cấp mã QR, chạy theo luồng xanh. Theo quy định hiện nay, các xe này có thể di chuyển giao nhận hàng, tài xế không cần trình báo giấy đi đường. Tuy nhiên, tài xế đi đâu cũng phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Một số tài xế nhà gần trạm y tế có thể dễ dàng đi xét nghiệm, còn lại các tài xế ở xa, công ty phải mời lực lượng y tế tới xét nghiệm tại kho bãi vận tải, tốn thêm nhiều chi phí.
“Logistics đâu phải chỉ là khâu vận chuyển, là xe hàng, tài xế. Còn biết bao thủ tục xuất hàng, nhập hàng, kho bãi… cần phải giải quyết. Bản thân tôi là người trực tiếp phụ trách quản lý giao nhận hàng hóa, công việc đòi hỏi phải chạy đi chạy lại ra cảng, tới kho hàng nhưng đến giờ đã 1 tháng rồi vẫn không xin được giấy đi đường. Gửi email đăng ký tới Sở Công thương thì họ nói Công an TP trực tiếp cấp. Qua công an, họ phân về công an quận, phường, tới phường thì họ lại nói họ không quản lý. Đúng mệt mỏi! Mở luồng xanh, đường thông thoáng mà các khâu khác vẫn kẹt thế này thì khó vẫn hoàn khó”, ông Long thở dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.