TP.HCM mời gọi trẻ em tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu và nhiều bệnh khác

Duy Tính
Duy Tính
08/07/2020 16:25 GMT+7

Hiện tại, Việt Nam có nhiều loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu để phụ huynh lựa chọn tiêm cho mình và trẻ em.

Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu tại TP.HCM bị chậm so với tiến độ cần đạt.

Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, TP.HCM mời gọi trẻ em tiêm chủng

Tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin tại TP.HCM giảm 15%

Theo HCDC, tại TP.HCM, hằng năm tỷ lệ này đều đạt trên 95%. Tính đến hết tháng 6.2020, tỷ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản cho trẻ sinh năm 2019 đã bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt.

Bệnh bạch hầu lan rộng, có nên tiêm vắc xin bổ sung cho trẻ không?

HCDC cho biết, vắc xin phòng bạch hầu thường được bào chế dưới dạng vắc xin phối hợp với các vắc xin khác và là một trong các bệnh bắt buộc tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được tính theo tỷ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản ở trẻ dưới 1 tuổi.

Đưa con đi tiêm vắc xin 

Ảnh: Duy Tính

HCDC lý giải, các nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 giảm 15% so với các năm trước là: Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây cho phụ huynh tâm lý ngại đến nơi đông người nên không đưa con đi tiêm chủng. Thứ 2, mẹ hoặc người chăm sóc bận rộn không đưa trẻ đi tiêm. Thứ 3, có những trường hợp cha mẹ trẻ trì hoãn tiêm chủng vì đợi tiêm vắc xin dịch vụ.

Gia Lai liên tiếp phát hiện ca dương tính với bệnh bạch hầu

HCDC khẳng định, vắc xin của tiêm chủng mở rộng luôn được cung ứng đầy đủ. Do đó, phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin bắt buộc theo quy định.

Bệnh nhân bạch hầu tại TP.HCM đã được cách ly, chữa trị thế nào?

Trẻ lớn cũng cần tiêm nhắc vắc xin bạch hầu

Để đạt tỷ lệ tiêm chủng theo quy định tại TP.HCM, HCDC đã có kế hoạch tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, HCDC đẩy mạnh công tác rà soát cập nhật mũi tiêm, quản lý và mời trẻ tiêm chủng.
Tăng cường truyền thông vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng. Đảm bảo an toàn trong phòng lây nhiễm Covid-19 ở tất cả cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng.
Theo HCDC, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhiều ca bệnh là trẻ lớn ngoài độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và người lớn. Tuy nhiên, hiện nay vắc xin phòng bệnh bạch hầu đối với hình thức tiêm chủng miễn phí chỉ áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi.
Do đó, trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng.

Vì đâu dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp?

Các loại vắc xin hiện nay có chứa thành phần bạch hầu

Gia tăng người mắc bệnh bạch hầu ở Kon Tum, học sinh ở xã Ya Xiar nghỉ học

Theo HCDC, để giảm số lượng mũi tiêm cho trẻ cũng như thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm, đã có nhiều vắc xin phối hợp được sản xuất. Hiện nay, tại Việt Nam, có các loại vắc xin sau có chứa thành phần bạch hầu:
Vắc xin DPT (DTwP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà toàn tế bào.
Vắc xin ComBeFive và SII có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
Vắc xin Adacel và Boostrix (DTaP) có 3 thành phần bạch hầu, uốn ván và ho gà vô bào.
Vắc xin Td có 2 thành phần bạch hầu và uốn ván.
Vắc xin Tetraxim có 4 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào và bại liệt.
Vắc xin Pentaxim có 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
Vắc xin Infanrixhexa và Hexaxim có 6 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
Trong các vắc xin trên, ComBeFive, SII, DPT là các vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các vắc xin này được Chính phủ chi ngân sách mua để tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định.
Các vắc xin còn lại là vắc xin ngoài chương trình, phải trả phí khi tiêm chủng. Infanrix Hexa, Hexaxim và Pentaxim... là những vắc xin có thể lựa chọn để tiêm chủng các mũi cơ bản theo lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Theo HCDC, lịch tiêm chủng bắt buộc vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu gồm 3 liều cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi và 1 liều tiêm nhắc thứ tư lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu là gì và nguy hiểm như thế nào?

Theo báo cáo của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2019, toàn quốc có tất cả 53 ca mắc bạch hầu, trong đó có 5 ca tử vong.
Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi thuộc miền Trung và Tây Nguyên, những nơi mà việc tiêm chủng đầy đủ chưa được bao phủ. Trong tháng 6 và 7.2020 cũng đã ghi nhận các ca bệnh bạch hầu ở cả trẻ em, trẻ lớn và người lớn tại một số tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.