TP.HCM muốn giảm ùn tắc, phải bỏ đèn giao thông đếm ngược

01/07/2024 17:07 GMT+7

Đó là quan điểm của TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TP.HCM). Từ hơn 1 thập kỷ trước, ông Tuấn đã đề xuất dỡ bỏ hệ thống đèn giao thông đếm ngược thời gian tại giao lộ các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đến nay, TS Vũ Anh Tuấn vẫn bảo lưu quan điểm này và khẳng định nếu TP.HCM muốn giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... thì không thể giữ đèn giao thông đếm ngược.

TP.HCM muốn giảm ùn tắc, phải bỏ đèn giao thông đếm ngược- Ảnh 1.

Phương án thí điểm không dùng đèn giao thông đếm ngược thời gian tại một số giao lộ ở TP.HCM đang nhận về nhiều quan điểm trái chiều

NHẬT THỊNH

Có đèn đếm ngược, không thể điều tiết xe linh hoạt

Theo ông Vũ Anh Tuấn, nguyên tắc điều tiết giao thông tại các giao lộ là từ lưu lượng xe trên đường, thành phần xe, tại 1 thời điểm, tính toán ra lưu lượng chu kỳ đèn tối ưu để đảm bảo lượng xe thoát ra khỏi nút giao là lớn nhất trong 1 đơn vị thời gian (mỗi 10 phút trong khung giờ cao điểm hoặc trung bình mỗi giờ trong ngày). Điều này đặc biệt quan trọng với các nút giao lớn, trên các tuyến đường chính, tuyến trục tại TP.HCM.

Như vậy, chu kỳ đèn giao thông cần thay đổi liên tục, ít nhất là theo từng khung giờ. Đó là lý do vì sao tại các đô thị lớn phải áp dụng công nghệ để hệ thống đèn giao thông được thiết lập linh hoạt theo từng khoảng thời gian nhất định.

Thí điểm bỏ đèn giao thông đếm giây, dân bức xúc vì ‘dễ tai nạn’

Tuy nhiên, sử dụng đèn đếm ngược sẽ vô hiệu hóa việc tính toán lượng xe, thành phần xe, biến lưu lượng chu kỳ đèn trở thành cố định, không thay đổi được. Điều này dẫn đến tình trạng chu kỳ đèn không tương thích với lưu lượng xe thực tế tại các lối vào giao lộ, gây khó khăn cho chiến lược điều khiển đèn tín hiệu linh động. Các nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, châu Âu và mới nhất là Trung Quốc đều không còn sử dụng bộ đèn giao thông đếm ngược.

Hiện nay, TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin cho phép truyền tải dữ liệu thực tế từ các nút giao về Trung tâm điều hành giao thông đô thị, từ đó điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu sao cho phù hợp, song, do còn giữ bộ đếm nên việc điều chỉnh chỉ chia theo từng khung giờ như buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều... Nghĩa là chu kỳ đèn thay đổi không liên tục mà theo tần suất cố định. Trong khi chỉ trong khoảng 1 - 2 giờ, lưu lượng phương tiện trên thực tế đã có thể thay đổi rất nhiều.

Vì thế, muốn giải quyết tối ưu lưu thông tại các nút giao, cần phải bỏ hệ thống đèn giao thông đếm ngược.

TP.HCM muốn giảm ùn tắc, phải bỏ đèn giao thông đếm ngược- Ảnh 2.

TS Vũ Anh Tuấn cho rằng đèn tín hiệu cần được điều chỉnh linh hoạt để ưu tiên cho các phương tiện đặc biệt như xe buýt và người đi bộ

NHẬT THỊNH

Khó ưu tiên cho các phương tiện đặc biệt

Lí do thứ 2 theo TS Vũ Anh Tuấn: Trong mạng lưới đô thị, có rất nhiều trục đường có sự tham gia của hệ thống giao thông công cộng mà cụ thể ở TP.HCM là xe buýt. Muốn giảm thiểu thời gian đi lại trên đường của hành khách, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng thì một phần quan trọng là phải đảm bảo nâng cao vận tốc di chuyển của xe buýt trên đường, bằng cách cung cấp làn ưu tiên/làn riêng cho xe buýt hoặc ưu tiên vượt qua các nút giao.

"50% thời gian di chuyển trong đô thị nằm ở đoạn chờ và đi qua các nút giao. Nếu xe buýt cũng phải chờ đợi như vậy, di chuyển chậm thì sẽ mất đi lợi thế, nên cần có ưu tiên. Vai trò của hệ thống đèn giao thông thông minh sẽ phát huy rất tốt tại các tình huống này. Đơn cử, khi có xe buýt đang tới gần thì thời gian đèn xanh có thể kéo dài thêm 1 chút để xe buýt vượt qua nút giao; hoặc đang đèn đỏ mà xe buýt gần tới thì có thể giảm thời gian chờ để xe thoát qua sớm hơn. Với người đi bộ cũng vậy, họ xin được qua đường thì hệ thống đèn phải thay đổi linh hoạt theo. Điều này đòi hỏi buộc phải bỏ bộ đèn đếm ngược, nếu không thì không thể lập tức thay đổi chu kỳ đèn tín hiệu được" - ông Tuấn dẫn minh họa.

TP.HCM muốn giảm ùn tắc, phải bỏ đèn giao thông đếm ngược- Ảnh 3.

Trung tâm Quản lý giao thông đô thị cho biết sau thời gian thí điểm, các cột đèn tín hiệu không đếm số giúp tình hình giao thông ổn định hơn. Các trường hợp vượt đèn khi thời gian còn 2 - 3 giây cũng giảm, từ đó giảm nguy cơ tai nạn giao thông

NHẬT THỊNH

Đèn đếm ngược kích thích vi phạm giao thông

Nguyên nhân thứ 3 khiến TS Vũ Anh Tuấn ủng hộ bỏ bộ đếm giây tại các đèn tín hiệu là tâm lý ăn gian của người tham gia giao thông tại Việt Nam.

Ở các thành phố lớn đông đúc, ùn tắc thường trực trên mọi tuyến đường như TP.HCM, Hà Nội thì các phương tiện, đặc biệt là xe máy lưu thông trên đường thường rất hay có tâm lý cố ăn gian vài giây đèn tín hiệu để chạy cho nhanh. Chẳng hạn còn vài giây đèn xanh thì cố chạy thật nhanh, lạng lách đánh võng để thoát dừng đèn đỏ; trong khi dừng đèn đỏ thì chỉ chực chờ còn vài giây là vít ga ngay.

Có thể thấy, bộ đếm giây đã vô tình kích thích các hành vi vi phạm quy tắc an toàn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

Với 3 luận cứ trên, TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh: Các quan điểm cho rằng bỏ đèn đếm ngược sẽ hạn chế sự chủ động của các phương tiện giao thông là thiên về cảm tính nhiều hơn đánh giá dưới góc độ khoa học. Việc chuẩn bị nổ máy xe để chạy không cần quá nhiều thời gian chuẩn bị và nếu tuân thủ đúng nguyên tắc 3 loại đèn xanh - đỏ - vàng cũng sẽ không vấp phải tình trạng dừng đột ngột khi đèn chuyển màu. Ngoài ra, công nghệ mới đang được nhân rộng trên các loại xe máy đảm bảo động cơ sẽ tự ngắt sau 5 giây dừng chờ, không cần thiết phải nhìn giây đèn để tính toán tắt máy xe bảo vệ môi trường.

Ảnh hưởng quan trọng nhất, tác động lớn nhất của hệ thống đèn tín hiệu trong điều tiết giao thông đô thị là chu kỳ đèn phải thay đổi liên tục tương thích với các hướng xe vào, lượng xe vào và loại xe vào giao lộ. Nếu dừng chờ bất hợp lý, ùn tắc giao thông sẽ trầm trọng hơn, ô nhiễm môi trường cũng trầm trọng hơn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.