TP.HCM nâng mức vay tối đa lên 200 tỉ đồng mỗi dự án xây dựng trường học

Bích Thanh
Bích Thanh
06/12/2024 15:34 GMT+7

Ngày 6.12, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) phối hợp tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực GD-ĐT và GDNN trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM nâng mức vay tối đa lên 200 tỉ đồng mỗi dự án xây dựng trường học- Ảnh 1.

Một dự án trường mầm non công lập được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng tại quận Bình Tân năm 2024

ẢNH MINH HỌA: PHÒNG GD-ĐT QUẬN BÌNH TÂN

Nhiều điểm mới, thuận lợi trong chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư

Lãnh đạo UBND, phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức; các trường THPT; hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH; lãnh đạo các trường CĐ, TCNN, các trường ngoài công lập… đã cùng nhau trao đổi và làm rõ các vấn đề liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tiếp cận, đầu tư hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi.

TP.HCM nâng mức vay tối đa lên 200 tỉ đồng mỗi dự án xây dựng trường học- Ảnh 2.

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị

ẢNH: NAM NGUYỄN

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện tại mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học trên địa bàn TP đã được phủ khắp các phường (xã), 21 quận huyện và TP.Thủ Đức với quy mô phát triển ngày một tăng, đáp ứng cơ bản điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập và việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học, THCS có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn quy định, ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, học tập.

Cũng theo ông Dũng, mặc dù các chính sách đã được xây dựng để tạo ra nhiều hình thức đầu tư cho lĩnh vực giáo dục tuy nhiên tỷ trọng các dự án đầu tư từ các nguồn lực xã hội còn hạn chế, chưa khai thác hết được những chính sách ưu đãi của TP. Riêng đối với vốn đầu tư công mặc dù luôn được ưu tiên dành cho đầu tư lĩnh vực GD-ĐT nhưng vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng nhu cầu chỗ học và mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục của người dân trong giai đoạn hiện nay và thời gian dài sắp tới.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, từ năm 2018 đến nay, TP thực hiện lần lượt Nghị quyết số 54, Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó chúng ta có chính sách "Chương trình cho vay kích cầu đầu tư" do HFIC tổ chức đầu mối thực hiện. Nhờ chính sách này, ngành giáo dục đã có nhiều dự án trong và ngoài công lập tham gia, góp phần không nhỏ trong việc phát triển chất lượng, mang lại nhiều giá trị nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, vào tháng 7, TP đã ban hành Quyết định số 42 về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư có nhiều điểm mới, thuận lợi, ưu việt hơn so với các chương trình kích cầu trước đây. "Chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ là một động lực mạnh mẽ để các cơ sở giáo dục, từ trường học công lập đến các cơ sở giáo dục ngoài công lập, có thể nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng giảng dạy, đồng thời phát triển các mô hình giáo dục mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và thị trường lao động", ông Dũng nói.

TP.HCM nâng mức vay tối đa lên 200 tỉ đồng mỗi dự án xây dựng trường học- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), thông tin các điểm mới về chính sách hỗ trợ đầu tư

ẢNH: NAM NGUYỄN

Cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án GD-ĐT

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc HFIC, thông tin các điểm mới bao gồm mức vay tối đa lên đến 200 tỉ đồng mỗi dự án, không yêu cầu vốn đối ứng, thời gian vay linh hoạt, và có thể vay cho nhiều dự án cùng một lúc. "Hy vọng rằng chính sách này sẽ giúp các đơn vị giáo dục dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học tại TP.HCM", ông Thanh nói.

Ngoài việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, hội nghị cũng giới thiệu các danh mục dự án giáo dục trọng điểm và quỹ đất giáo dục sẵn có trên địa bàn để thu hút đầu tư. Các cơ sở giáo dục, nhà đầu tư và các bên liên quan đã có cơ hội tiếp cận thông tin chi tiết về các dự án, nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư vào ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục của TP.HCM.

Đặc biệt, TP cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án GD-ĐT thông qua các hình thức đầu tư công và các mô hình đối tác công tư (PPP), nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giáo dục.

23 dự án cần đầu tư và 69 quỹ đất trống của giáo dục

Theo thông tin từ ông Dương Trí Dũng, 23 dự án thu hút đầu tư bao gồm 3 dự án tại TP.Thủ Đức; 10 dự án tại quận 8; 8 dự án tại quận 12, quận 7 với quận Gò Vấp, mỗi địa phương có 1 dự án.

Ngoài ra, theo kết quả phối hợp rà soát giữa Sở GD-ĐT với các địa phương thì TP hiện có 69 quỹ đất giáo dục trong các khu dự án phát triển dân cư đã được TP chấp thuận giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay chưa triển khai xây dựng trường học theo tiến độ làm ảnh hưởng đến việc phát triển, hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp và áp lực không nhỏ đến khả năng đáp ứng chỗ học cho con em người dân trên địa bàn.

Trong đó quỹ đất tập trung như sau: Quận 12 có 25 dự án; quận 8 có 11 dự án, quận Bình Tân và huyện Nhà Bè, mỗi địa phương có 9 dự án; quận Bình Thạnh có 6 dự án; huyện Bình Chánh có 5 dự án; quận 7 có 4 dự án.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.