Đồng bộ tĩnh không 14 cây cầu dọc sông Sài Gòn
Theo đó, dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 có điểm đầu xây dựng cách mố cầu hiện hữu phía quận Bình Thạnh khoảng 93,4m (hướng về bến xe Miền Đông), điểm cuối cách cầu hiện hữu phía TP.Thủ Đức khoảng 92,4m (hướng về đường Phạm Văn Đồng). Tổng chiều dài dự án khoảng 770,4m với diện tích khoảng 1,08 ha và tổng vốn gần 133 tỉ đồng.
Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 có điểm đầu tuyến cách mố cầu hiện hữu phía quận 12 khoảng 152m (hướng về nút giao ngã tư Ga), điểm cuối cách mố cầu hiện hữu phía TP.Thủ Đức khoảng 128m (hướng về nút giao Bình Phước). Tổng chiều dài khoảng 759,69m với diện tích khoảng 0,95ha và tổng vốn đầu tư gần 111 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP (chủ đầu tư) cho biết trong 14 cây cầu dọc sông Sài Gòn, chỉ còn 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 hiện chưa đảm bảo chiều cao khoảng thông thuyền tối thiểu 7m để các tàu thuyền lưu thông, phát triển giao thông đường thuỷ. Đây là hai cây cầu nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch có tính chất liên kết vùng, phương tiện giao thông đông đúc, việc nâng cầu hết sức phức tạp.
Với suy nghĩ táo bạo, dám nghĩ, dám làm, Sở GTVT - cùng với sự hỗ trợ của Liên Hiệp hội khoa học kỹ thuật TP, các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành - đã nghiên cứu giải pháp nâng cầu đảm bảo đạt tĩnh không theo mục tiêu dự án, giảm thiểu ảnh hưởng tổ chức giao thông.
Để triển khai, dự án đã áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có tính đột phá trong công nghệ nhằm thi công đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng. Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 có tổng mức đầu tư không lớn tuy nhiên dự án đem lại ý nghĩa hết sức to lớn về đảm bảo giao thông và kết nối vùng.
Dự án nâng cấp tĩnh không cầu sau khi hoàn thành đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m sẽ tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh. Từ đó, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tăng kết nối vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
"Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ thực hiện dự án đúng thiết kế, ưu tiên mọi nguồn lực để đảm bảo dự án đúng tiến độ, ảnh hưởng thấp nhất đến việc đi lại của người dân TP. Dự kiến hai cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 sẽ thi công trong 8 tháng, hoàn thành trong năm 2025" - ông Vinh thông tin.
Đại diện đơn vị tư vấn, thi công cho biết thách thức lớn nhất là nâng toàn bộ phần trên cầu lên khoảng 1m, trong đó vẫn phải đảm bảo kết cấu và an toàn khi lưu thông. Vì vậy, các đơn vị sẽ tăng cường từ nhân lực, vật tư để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.
Khơi thông kết nối hàng hóa đường thủy
Thay mặt cho lãnh đạo UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường ghi nhận sự nỗ lực, biểu dương Sở GTVT TP và chủ đầu tư để triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa hai cây cầu này. Theo ông, cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 được khai thác từ lâu, cầu đã cũ nên việc nâng cấp tĩnh không cầu là vô cùng khó khăn. Hiện nay, các kỹ sư sẽ phải nâng tĩnh không cầu phía trên, song vẫn phải đảm bảo đi lại phía trên rất cao. Để làm được việc này cần sự nỗ lực rất lớn.
"Sông Sài Gòn có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế, văn hoá, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Campuchia. Hôm nay, chúng ta thực hiện dự án nâng cấp tĩnh không cầu là một cam kết trong phát triển vùng, đảm bảo đồng bộ khai thác tuyến đường thuỷ quan trọng này. Cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 sau khi nâng tĩnh không sẽ tạo nên luồng giao thông thuận lợi. Trước đây, cầu sắt Bình Lợi có tĩnh không rất thấp, thường xuyên xử lý sự cố tai nạn do không đảm bảo tĩnh không. Hiện chúng ta đã xây dựng cầu mới, các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn và càng ý nghĩa hơn khi TP.HCM triển khai thi công Vành đai 3. Lúc này, các phương tiện chở vật liệu về dự án bằng đường thuỷ dễ dàng. Qua đó có thể giảm chi phí vận tải, đảm bảo thời gian và áp lực giao thông cho đường bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình kết nối vùng" - ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị khi triển khai các công trình, cần đảm bảo khơi thông đồng bộ các tuyến đường thủy của TP.HCM, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Sở GTVT TP. Sở GTVT TP cần tiếp tục chú ý vào loạt dự án trong thời gian tới như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên... các cây cầu này khi xây dựng mới đều phải đảm bảo tĩnh không cầu.
Bình luận (0)