TP.HCM ngày 1.10: Bạn trẻ 'đợi thêm 1-2 tuần nữa mới ra đường'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
01/10/2021 09:40 GMT+7

Dù TP.HCM bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách xã hội từ ngày 1.10 nhưng nhiều bạn trẻ vẫn chưa dám ra đường vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 .

Kể từ ngày 1.10, người dân ở TP.HCM được phép tham gia lưu thông trong địa bàn thành phố nhưng phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin Covid-19 (cho đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức được đưa vào hoạt động). Nhiều người trẻ cảm thấy phấn khởi khi TP.HCM nới lỏng lệnh giãn cách, nhưng vẫn lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

"Ra đường để đi chơi hay vòng vòng phố xá thì không nên"

Chị Nguyễn Huỳnh Trang Đài, 25 tuổi, làm truyền thông chuyên về mảng video tại địa chỉ N4b Trường Sơn, P.15, Q.10, TP.HCM, chia sẻ chị vui mừng vì công việc có thể từng bước được khôi phục. Tuy nhiên, chị vẫn lo ngại khi số ca nhiễm Covid-19  tại TP.HCM hôm qua vẫn là hàng ngàn. “Tối qua, sếp chỉ nhắn tin vỏn vẹn vài câu “tạm thời ở nhà đi, từ từ hả lên công ty làm. Khi nào tình hình dịch ổn, rồi chị sẽ nhắn lại cho các em!”, Trang Đài kể.

TP.HCM ngày đầu nới lỏng giãn cách: Rộn ràng tiếng xe cộ trở lại!

Trang Đài thừa nhận nếu sếp không nhắn thì chị cũng không dám ra đường từ đầu tháng 10. “Giãn cách mà số ca nhiễm vẫn còn rất nhiều, huống gì bây giờ ai cũng đồng loạt ra đường thì nguy cơ tái bùng dịch vẫn rất cao. Tôi nghĩ chỉ những ai thật sự cần thiết mới nên 'xê dịch'. Tôi thấy nhiều người có suy nghĩ ra đường để đi chơi hay đi vòng vòng phố xá thì không nên”, cô chia sẻ.

Nhiều người vẫn còn ngại ra đường vì sợ dịch

Tấn Đạt

Hiện tại, Trang Đài quen dần với làm việc trực tuyến tại nhà dù ban đầu cũng gặp một số khó khăn nhất định và chưa đạt hiệu suất cao như đi làm trực tiếp.

Cô chia sẻ: "Do công việc của tôi là một chuỗi các giai đoạn cần chuẩn bị, nên có thể xoay chuyển bằng cách lựa chọn những giai đoạn tiền kỳ làm ở nhà trước như khâu viết kịch bản, lên kế hoạch chi tiết, chờ đến lúc ổn định có thể đi ra ngoài được thì tôi sẽ tiến hành các giai đoạn khác của công việc, như ghi hình”.

Lác đác vài người ra tập thể dục, phơi nắng vào sáng ngày 1.10

Tấn Đạt

Tuyệt đối phải "5K"

Anh Nguyễn Trần Thế Dũng, 31 tuổi, sống tại hẻm 281 Lý Thường Kiệt, Q.11, TP.HCM, cảm thấy lo lắng vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. “Bản thân tôi và gia đình đã ở nhà thời gian dài rồi, chịu khó thêm 1 - 2 tuần nữa cũng không sao, quan trọng là mọi người được bình an, chứ giờ ra đường tôi cảm thấy rất sợ và lo lắng”, anh nói.

Trong khoảng thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, anh Dũng với công việc xử lý hồ sơ về kinh doanh ngân hàng nên vẫn có thể tiếp tục làm việc trực tuyến. Anh Dũng chia sẻ: “Làm việc ở nhà thuận lợi là có nhiều thời gian hơn vì sau khi hoàn thành công việc tôi có thể nấu ăn, chăm sóc gia đình, rồi tập thể dục… Điều mà tôi không làm được trước đó. Qua đợt này, tôi tự dặn lòng khi hết giãn cách thì vẫn duy trì những thói quen tốt ấy”.

Một số người tất bật vệ sinh lại quán xá của mình

Tấn Đạt

Tương tự, anh Lý Tuấn Thiện, 27 tuổi, trú hẻm C19 ấp 4B Xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho rằng các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM vẫn còn rất nhiều trong khi bản thân quen với việc ở nhà mấy tháng nay nên ra đường chậm hơn người khác một chút cũng không sao.

Anh Thiện chia sẻ: “Trong khoảng thời gian ở nhà chống dịch, với những thói quen như tự nấu ăn hay tập thể dục vào mỗi buổi sáng, tôi cảm thấy chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn, duy trì được tinh thần sảng khoái, lạc quan, sức khỏe và vóc dáng cũng cải thiện đáng kể. Hiện tại tôi đã tiêm 2 mũi  vắc xin phòng Covid-19 nhưng không dám chủ quan nên tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những việc có thể làm tại nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết”.

Lực lượng chức năng kiểm tra người dân đi đường vào sáng ngày 1.10 trên đường Thành Thái, Q.10 vào sáng ngày 1.10

Tấn Đạt

Trong khi đó, Võ Phi Thành Đạt, 23 tuổi, sinh viên khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vui mừng khi thành phố nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10. Gia đình của anh lên kế hoạch đi khám xét nghiệm tổng quát tại bệnh viện, chăm sóc nha khoa, đo mắt và kiểm tra da liễu. Lý do là nam sinh viên này đã tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 hơn 3 tháng qua, thường xuyên tiếp xúc nhiều chất tẩy rửa, khử khuẩn...nên bị viêm da và tay chân.

“Việc ra ngoài đi lại trong điều kiện 'bình thường mới' tôi cũng hết sức cẩn trọng và kỹ lưỡng vì muốn sống chung với dịch bệnh phải đòi hỏi khôn ngoan, khoa học. Theo tôi, tuyệt đối phải '5K', thực hiện từng 'K' một một cách nghiêm khắc với bản thân mình”, Đạt nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.