Ủng hộ chương trình 1 triệu nhà ở xã hội, song theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia, còn 2 vướng mắc lớn khiến chương trình này chưa hiệu quả.
Thứ nhất, cung và cả cầu đều đang nghẽn. Về phần cung, nếu nơi nào có sẵn quỹ đất đưa cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội thì rất thuận lợi. Nhưng thực tế tại các đô thị như TP.HCM không có quỹ đất công, nếu có thì quá xa trung tâm, ở những vùng ven.
Về phần cầu, doanh nghiệp có sản phẩm nhà đi tìm đối tượng mua, phải xác định đúng đối tượng, có chứng nhận chưa có chỗ ở, chứng nhận là thu nhập tối thiểu 11 triệu đồng trở xuống, có cư trú tại địa phương… "Nhiều nơi triển khai thủ tục này tốn nhiều thời gian. Doanh nghiệp sợ nhất bán sai đối tượng", ông Lịch nói và cho rằng phải gỡ được 2 điểm này.
Theo đó, nên rà lại chính sách nhà ở xã hội. Việc xây dựng khung chung cho mọi địa phương, mọi đô thị là không phù hợp, "không thể có một cái lưới đánh được mọi loại cá".
Kinh nghiệm thế giới phần lớn xây dựng nhà ở xã hội là việc của chính quyền địa phương. Địa phương mới biết có được là bao nhiêu người có nhu cầu, nhu cầu thuê, mua và xây dựng chương trình, Chính phủ chỉ hỗ trợ. Còn chúng ta thì Chính phủ đi lo cả gói lãi suất.
Do đó, cần tạo ra một khung pháp lý tương đối mềm, linh hoạt cho các địa phương có điều kiện khác nhau. Trách nhiệm chính là chính quyền địa phương phải xây dựng.
"Nên có quan điểm rõ ràng, Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân chứ Nhà nước không có trách nhiệm lo sở hữu nhà ở cho mọi người. Cần phải có quỹ nhà ở cho thuê, Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Như TP.HCM hiện nay, người có thu nhập 11 triệu đồng/tháng thì làm sao mua nhà. Chúng ta chọn đối tượng không phù hợp, sẽ tắc ngay", TS Trần Du Lịch nêu.
Về vấn đề lãi suất, muốn làm nhà ở xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực, chứ không thể Nhà nước chỉ ban hành chính sách rồi giao cho thị trường tự làm. Các chính sách phải có cơ chế hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước với một tỷ lệ phù hợp, ví dụ bù lãi suất.
Riêng gói 120.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp là 8% hiện đã lạc hậu. Năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất 4 lần, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay 20 năm mua nhà với lãi suất 6,9%. Có nghĩa là thấp hơn nhiều mức lãi suất ưu đãi, do đó, cần xem lại chính sách ưu đãi lãi suất này.
Công văn ở dưới chuyển lên, ở trên chuyển xuống
Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường, chia sẻ khó khăn trong triển khai nhà ở xã hội chủ yếu là các thủ tục pháp lý.
"Thời gian vừa qua, có những dự án mà chúng tôi đã có được hai, ba chục con dấu nhưng không triển khai được", ông Cường nêu.
Doanh nghiệp này cũng băn khoăn khi Thủ tướng Chính phủ làm việc với cường độ lớn, tâm huyết của Chính phủ, tâm huyết của T.Ư với khát vọng phát triển của doanh nghiệp, đã đưa ra một định hướng rất đúng đắn. Nhưng vấn đề tại sao những khát vọng, mong muốn ấy không gặp nhau như đúng kỳ vọng và tại sao không triển khai được như theo kế hoạch?
Nhắc đến tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh", ông Nguyễn Việt Cường bày tỏ băn khoăn về bất cập, vướng mắc thủ tục hành chính hay vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm vì lợi ích chung.
Ông lấy ví dụ về trường hợp một doanh nghiệp có năng lực tốt, luôn tuân thủ pháp lý, đã triển khai một dự án được 6 năm, mọi thứ gần như hoàn thiện thì tự nhiên có một công văn gửi đến yêu cầu phải rà soát dự án đó.
Dự án "đóng băng" hơn 3 - 4 năm nay, không triển khai được, gây thiệt hại 2.000 - 3.000 tỉ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ vào để mua đất và xây dựng, chưa đóng thuế cho Nhà nước. Trong trường hợp này, nếu phát hiện ra cái sai, thì cơ quan chức năng cũng phải chỉ rõ để doanh nghiệp làm cho đúng.
Chưa kể, ông Cường cũng cho hay, có tình trạng công văn ở dưới chuyển lên, ở trên chuyển xuống, chỉ nói chung chung, cuối cùng không thực hiện được một dự án nào. Bên cạnh đó cũng không nên mở cuộc họp riêng cho doanh nghiệp. Khi báo cáo thì tổng hợp nhiều doanh nghiệp, không có sự ưu tiên giữa dự án này, dự án khác.
"Tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ, cũng như các bộ, ngành T.Ư quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là lắng nghe, giải quyết những mong muốn, nhu cầu, đề xuất của doanh nghiệp", ông Cường chia sẻ.
Bình luận (0)