TP.HCM: Nguy cơ heo tai xanh từ nhiều phía

16/08/2010 20:00 GMT+7

(TNO) Nhiều đàn heo tại TP.HCM đã xuất hiện bệnh tai xanh và bệnh này bắt đầu lan rộng. Ngoài ra, nguy cơ heo bệnh được đưa vào TP từ nhiều vùng có dịch đã làm cho tình hình thêm phức tạp. >> Dịch heo tai xanh bùng phát ở phía Nam / TP.HCM chống dịch heo tai xanh / Bệnh heo tai xanh lan đến TP.HCM

Phức tạp nguồn heo bệnh

Hiện nay đã phát hiện thêm bệnh tai xanh có trên đàn heo ở Q.9 và huyện Bình Chánh. Còn tại các cửa ngõ ra vào TP, các lái buôn vẫn đang tìm mọi cách đưa heo bệnh vào TP để tiêu thụ.

Thông tin trên vừa được Chi cục Thú y TP.HCM đưa ra trong cuộc họp đột xuất liên quan đến các biện pháp phòng chống bệnh heo tai xanh lan thành dịch, dưới sự chủ trì của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM diễn ra hôm nay (16.8).

Gần hai tấn heo chết tại Q.9, có xuất xứ từ vùng dịch Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đã bị đoàn kiểm tra liên ngành của TP phát hiện và tiêu hủy nhằm chống dịch. Huyện Bình Chánh cũng đã tiêu hủy gần 2.200 kg thịt heo biến chất. Q.12 tiêu hủy gần 1.200 kg heo sữa không có nguồn gốc. Q.Thủ Đức cho biết cơ sở thú y sau khi phát hiện 13 con heo thịt và 1 con heo nái mắc bệnh tai xanh có trong hộ chăn nuôi tại địa bàn, đã ngay lập tức tiêu hủy và thực hiện các biện pháp tẩy trùng phòng virus lây lan.

Bên cạnh đó, tại nhiều quận như: 1, 2, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp đã xuất hiện hàng chục trường hợp vận chuyển heo trái phép, không nguồn gốc vào chợ để tiêu thụ.

Hiện nay, có khoảng 75% tổng lượng heo nhập về TP.HCM mỗi ngày đến từ các tỉnh, TP có vùng dịch. Do vậy, nguy cơ bệnh ảnh hưởng đến đàn heo của TP.HCM là rất cao.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín chỉ đạo: Ngành thú y TP cần kết hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM tiến hành ký ngay cam kết với những tỉnh, TP lân cận với đề nghị rằng nguồn heo nhập vào TP phải có nguồn gốc rõ ràng.

“Các biện pháp tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện ngay tại những vùng phát hiện ra heo bệnh để tránh dịch có thể lây lan nhiều hơn”, ông Tín nhấn mạnh.

Nguy cơ bệnh trên người

Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh heo bệnh tai xanh có thể lây lan trực tiếp sang người. Tuy nhiên, mối nguy hiểm mà bệnh tai xanh gây ra cho người chính là liên cầu khuẩn.

Heo nhiễm virus tai xanh (PRRS) sẽ dễ bị suy giảm miễn dịch dẫn đến bị kèm theo nhiều bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, E.coly, đóng dấu, liên cầu khuẩn... Khả năng miễn dịch của heo suy giảm, những liên cầu khuẩn cư trú trong cơ thể heo bệnh trỗi dậy, sản sinh độc tố tấn công heo.

Liên cầu khuẩn ở heo có khả năng gây bệnh cho người. Do đó, người ta dễ bị mắc bệnh này khi tiếp xúc với heo bệnh như giết mổ, chế biến và ăn thịt heo không nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo...).

Tính từ tháng 6 đến nay, chỉ riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đã tiếp nhận 14 trường hợp nhập viện với bệnh lý viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn lợn gây ra. Hầu hết đây là những trường hợp nuôi heo, bán thịt heo, hoặc ăn tiết canh heo, sản phẩm từ heo không được nấu chín.

Trước tình hình hiện nay, ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khuyến cáo người dân: "Không nên ăn tiết canh heo, thịt heo các loại cần phải nấu chín thật kỹ trước khi dùng để tránh các tác hại có thể xảy ra…".

Các cơ quan chức năng kêu gọi người dân cần hợp tác trong việc báo cáo dịch, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp bán chạy heo bệnh, không sử dụng các thức ăn và chế phẩm từ heo không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được chế biến chín.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đội kiểm tra liên ngành cần quán triệt tinh thần tăng cường kiểm tra, tiến hành giám sát chặt chẽ toàn bộ các cửa ngõ ra vào TP (đường bộ, đường sông, kể cả đường sắt), kiên quyết không để nguồn heo mắc bệnh tai xanh nhập vào TP, đưa đến tay người tiêu dùng.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.