Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến ngày 14.7, TP.HCM ghi nhận 7.823 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm tỷ lệ 8,95%).
Riêng trong tháng 6.2023 và 2 tuần đầu của tháng 7.2023, tổng số ca điều trị nội trú là 1.774 ca, trong đó có 371 ca có địa chỉ ở TP.HCM (chiếm 20,9%), còn lại chuyển từ các tỉnh, thành khác đến TP.HCM điều trị.
Ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng
Ngành y tế TP.HCM dự báo, số ca mắc tay chân miệng và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới. Trong đó, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%. Tính đến hiện tại, có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của TP.HCM, có hộ khẩu từ các tỉnh, thành khác.
Mặc dù chưa có ca tay chân miệng tử vong của TP.HCM, nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Entero vi rút (EV71 - là chủng vi rút có độc lực cao), chủng này làm tình trạng bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Tại TP.HCM, EV71 là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo công tác khám và chẩn đoán kịp thời, không bỏ sót bệnh tay chân miệng. Đưa vào toa thuốc ngoại trú nội dung các dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo nặng bệnh tay chân miệng và dặn dò hướng dẫn chi tiết khi cấp toa thuốc.
Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu các nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM hướng dẫn cho người mua thuốc điều trị sốt cấp tính, những dấu hiệu nặng cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý với trẻ em.
Cuối tháng 7.2023 hết thuốc điều trị tay chân miệng nặng
Sự xuất hiện của biến chủng EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng như thuốc Immunoglobulin (IVIG), Phenobarbital truyền tĩnh mạch… tại các tỉnh phía nam, là nguyên nhân TP.HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh, thành khác chuyển đến (dao động trong khoảng từ 60% - 80%). Trong đó có những ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.
Nếu chỉ xem xét riêng các ca bệnh tay chân miệng địa chỉ tại TP.HCM thì hiện thành phố vẫn đang ở tình huống dịch thứ 1 (dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, 200 ca đang điều trị nội trú, 20 ca nặng), và đảm bảo nguồn lực cho công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng.
Tuy nhiên, hiện TP.HCM đã rơi vào tình huống 2, là 50 - 100 ca nhập viện mới/ngày, 200 - 700 ca đang điều trị nội trú, 20 - 70 ca nặng.
Tuy đã có chuẩn bị về cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng, nhưng số thuốc dự trữ của TP.HCM dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, nhất là trong bối cảnh TP.HCM luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay.
Cụ thể, số lượng thuốc IVIG sử dụng mỗi ngày tăng từ 80 - 150 lọ (từ ngày 7.7 - 13.7) tăng lên đến xấp xỉ 200 lọ thuốc (từ 13.7 trở đi) và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khi lượng tồn IVIG tại các bệnh viện hiện khoảng 2.400 lọ, và dự kiến đến cuối tháng 8.2023 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo (số lượng hạn chế).
Do đó, nguy cơ TP.HCM thiếu thuốc IVIG trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7.2023 trở đi (nếu số lượng bệnh nhi nặng giữ như giai đoạn hiện nay) hoặc có thể hết sớm hơn nếu tình hình tiếp tục gia tăng nhanh.
Sở Y tế TP.HCM tiếp tục theo dõi sát tình hình sử dụng và cung ứng thuốc IVIG để đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp can thiệp tiếp theo, tiếp tục cập nhật thông tin từ phía các công ty cung ứng và báo cáo sát với Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
Trong bối cảnh có khả năng thiếu thuốc IVIG, Sở Y tế TP.HCM đã có chỉ đạo nhằm chủ động trong việc sử dụng thuốc IVIG điều trị bệnh tay chân miệng.
Theo đồng thuận của các chuyên gia, thuốc IVIG được chỉ định liều 1 đối với nhóm bệnh nhân tay chân miệng độ 2b nhóm 2, độ 3 hoặc độ 4. Liều 2 được chỉ định khi người bệnh chuyển độ nặng hơn hoặc triệu chứng của độ 3 chưa cải thiện.
Kiến nghị các bệnh viện "chia lửa" với TP.HCM
Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh, thành phố có năng lực trong công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng. Cụ thể như Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai… tiếp nhận điều trị người bệnh của các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Cục Quản lý dược sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG nếu có. Kiến nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía nam.
Bình luận (0)