TP.HCM nhận diện 5 thách thức của thị trường lao động hiện nay

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/12/2023 10:24 GMT+7

TP.HCM nhận diện một số điểm nghẽn, thách thức trong thị trường lao động hiện nay, trong đó có mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.

Ngày 23.12, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết sở đã có báo cáo về tình hình lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó, đơn vị nhìn trực diện một số thách thức của thị trường lao động TP.HCM hiện nay.

Thứ nhất, thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rằng nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo ý muốn.

Thứ hai, lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) ngày càng cao. Những "biến cố" của thị trường lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay thiếu đơn hàng đã khiến cho số người lao động mất việc, tái bố trí việc làm hằng năm rất lớn.

Từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã tiếp nhận hơn 375.000 trường hợp nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. Lao động ngày càng có xu hướng làm việc tự do, làm ở ngành dịch vụ. Thế nên nguồn lao động cung ứng cho ngành công nghiệp ngày càng ít.

TP.HCM nhận diện 5 thách thức của thị trường lao động hiện nay- Ảnh 1.

Lực lượng lao động tự do TP.HCM ngày càng nhiều

NHẬT THỊNH

Thứ ba, nhân lực phân bố không đồng đều giữa các khu vực, ngành kinh tế, làm mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.

Hiện quy mô đào tạo lao động kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thua rất nhiều so với quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại suy nghĩ coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, chất lượng đào tạo nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp càng phát triển, nhu cầu lao động kỹ thuật ngày càng lớn nhưng cung ứng không đủ, điều này khiến cạnh tranh lao động trình độ cao rất gay gắt. Nhiều doanh nghiệp phải tuyển người lao động nước ngoài ở vị trí quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

TP.HCM vẫn chưa chủ động đào tạo được nguồn lao động chất lượng cao theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đủ sức cạnh tranh, dịch chuyển tự do trong khối ASEAN.

TP.HCM nhận diện 5 thách thức của thị trường lao động hiện nay- Ảnh 2.

Sinh viên học ngành cơ khí chế tạo tại TP.HCM

THU NGÂN

Thứ tư, tình hình vi phạm pháp luật lao động còn nhiều, khi thanh tra hay có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp vẫn không chấp hành, nhất là xử phạt liên quan nợ bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, việc đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến nhưng thực chất vẫn chưa đạt yêu cầu; nhiều công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả...

Thứ năm, công tác dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) còn chưa hiệu quả.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tương lai TP.HCM cần phải giải quyết một số nội dung như phát triển nguồn cung lao động và chuyển đổi kỹ năng cho lao động để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với xu thế chung: kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; kết nối cung cầu lao động; tạo việc làm bền vững cho lao động; liên kết các địa phương khác để kết nối nguồn nhân lực dài hạn.

Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, chính sách lớn để đẩy mạnh công tác cung - cầu lao động, giữ mối quan hệ lao động hài hòa. Thị trường lao động TP.HCM có tiến triển qua mỗi giai đoạn như tăng quy mô lực lượng lao động trong độ tuổi tăng, chất lượng, năng suất lao động.

Hiện nay, TP.HCM có cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào (lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 50% dân số thành phố). Thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 10.2023, các thành phần kinh tế giải quyết việc làm cho hơn triệu lượt lao động, trong đó tạo việc làm mới cho gần 472.000 lao động (đạt hơn 67% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ là 700.000 người).

Tỷ lệ thất nghiệp đô thị được kéo giảm từ 4,01% năm 2020 xuống còn 3,97% vào cuối năm 2022. Dự kiến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 kéo giảm còn 3,9%, đạt chỉ tiêu.

TP.HCM cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn phục hồi sản xuất - kinh doanh như chính sách theo Nghị quyết 68 năm 2021 của Chính phủ, hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 43 năm 2022 của Quốc hội…

Về giáo dục nghề nghiệp, hiện TP.HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bình quân cung ứng cho thị trường lao động khoảng 195.000 người. Lao động làm việc đã qua đào tạo tại TP.HCM (có chứng chỉ, chứng nhận) đạt 85,69% năm 2020 và đến nay tăng lên 86,96%.

Về quan hệ lao động, thống kê từ năm 2020 đến nay, số cuộc ngừng việc giảm qua các năm, riêng năm 2022 TP.HCM có 13 vụ đình công với tổng số lao động tham gia gần 6.000 người, chủ yếu thuộc dệt may, da giày với nguyên nhân chủ yếu vì lương, thưởng, nợ bảo hiểm xã hội.

Công nhân mất việc xoay xở đủ nghề trước tết: 'Tiền ăn không có lấy đâu tiền về'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.