TP.HCM nhắn tin mời đi tiêm vắc xin miễn phí

Duy Tính
Duy Tính
03/03/2018 16:53 GMT+7

Một số phụ huynh có con dưới 18 tháng tuổi ở Quận Tân Bình (TP.HCM) bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ các trạm y tế...

Ngày 3.3, một số phụ huynh có con dưới 18 tháng tuổi ở Quận Tân Bình (TP.HCM) bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ các trạm y tế với nội dung mời phụ huynh đưa trẻ đến tram y tế để tiêm vắc xin ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thời gian từ lúc 7 giờ 30 đến 9 giờ ngày 6.3 mà không mất tiền.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết đây là một trong những cách làm của ngành y tế và các địa phương là truyền thông làm sao cho dân dễ hiểu, dễ nhớ để đưa con em đến trạm y tế tiêm sởi, phòng ngừa dịch sở xảy ra trên địa bàn. Ngoài tin nhắn thì có thể là thư mời, phát loa…
Theo bác sĩ Dũng, tại TP.HCM ước tính có khoảng 120.000 trẻ trong độ tuổi phải tiêm sởi mũi 2. Tuy nhiên, số trẻ quản lý tại các trạm y tế là 104.000 em, nhưng ước tính chỉ có hơn 88,6% trẻ tiêm sở mũi 2 trong khi chỉ tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng là trên 90%.
Bác sĩ Dũng cho biết thêm, sởi là một trong các bệnh đường hô hấp xảy ra trong mùa đông xuân và năm 2018 là chu kỳ 4 năm của dịch có thể quay lại. Do vậy, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM đang dự phòng nhiều biện pháp để con em ở TP dưới 18 tháng tuổi tiêm đủ 2 mũi sởi. Dự kiến Trung tâm sẽ hợp tác với các nhà mạng để gởi tin nhắn đến cho quý phụ huynh.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Vào thời điểm giao mùa đông xuân, nhiệt độ hạ thấp, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm tạo điều kiện cho những vi rút phát triển mạnh mẽ và gây bệnh, Sởi là một trong những bệnh lây lan trong thời điểm này, do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý phòng tránh bệnh cho trẻ. Bởi bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi: sốt, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ), viêm sổ mũi, ho và có nốt ở niêm mạc miệng, ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm phế quản và viêm não, tử vong xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do viêm phổi, viêm não. Trẻ mắc bệnh Sởi có nguy cơ cao đặc biệt là thiếu vitamin A, nếu thiếu vitamin A trầm trọng có thể dẫn đến mù.
Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo phụ huynh nhớ tiêm chủng cho trẻ em theo lịch tiêm chủng quốc gia, mũi một lúc trẻ 9 tháng tuổi; mũi 2 lúc 18 tháng tuổi. Ngoài tiêm chủng thì phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp dự phòng khác bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; tăng cường vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.