TP.HCM: Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật từ phản ánh của báo chí

28/02/2023 19:11 GMT+7

Trong gần 10.000 phản ánh về các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên trên địa bàn TP.HCM thì thông tin từ báo chí chiếm hơn 12%, nhiều vụ việc được cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Chiều 28.2, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm "Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM".

Quy định 1374 ban hành cuối năm 2017, cụ thể hóa quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. 4 nguồn thông tin được tiếp nhận gồm: ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo; phản ánh của cơ quan báo chí.

TP.HCM: Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật từ phản ánh của báo chí - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết các phản ánh của báo chí đa dạng trên nhiều lĩnh vực

NGUYÊN VŨ

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, trong số 9.864 thông tin tiếp nhận thì thông tin từ báo chí chiếm hơn 12%. Phản ánh của báo chí ở nhiều lĩnh vực, nhất là công tác quản lý nhà nước, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Ông Khuê đánh giá, các phản ánh của báo chí giúp địa phương, đơn vị phần nào nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận.

Trung tá Trần Đức Thắng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an TP.HCM thông tin, từ tháng 12.2017 đến nay, công an đã tiếp nhận 129 thông tin, trong đó 33 thông tin có cơ sở và 96 thông tin không có cơ sở giải quyết.

Một số vụ việc điển hình được giải quyết như Phó trưởng Công an Q.10 vi phạm đạo đức, lối sống được báo chí phản ánh hồi tháng 8.2020. Sau đó, Đảng ủy Công an TP.HCM đã giao xác minh, và đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM kỷ luật bằng hình thức cách hết tất cả chức vụ trong Đảng đối với cán bộ vi phạm.

TP.HCM: Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật từ phản ánh của báo chí - Ảnh 2.

Trung tá Trần Đức Thắng thông tin một số vụ việc được Đàng ủy Công an TP.HCM chỉ đạo xử lý sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí

NGUYÊN VŨ

Hay như vụ CSGT Tân Sơn Nhất "vô cớ" giữ giấy tờ xe của người dân, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt xác định có thiếu sót trong quy trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ bị phản ánh phải kiểm điểm và bị phê bình rút kinh nghiệm.

Từ thông tin phản ánh, Đảng ủy Công an TP.HCM đã kỷ luật Đảng 19 trường hợp, kỷ luật chính quyền 94 trường hợp, 96 trường hợp khác bị phê bình, hạ thi đua, cắt danh hiệu.

Nêu giải pháp nâng cao hiệu quả, trung tá Thắng cho rằng cần có cơ chế xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ xử lý, giải quyết thông tin phản ánh nhưng thực hiện chậm trễ, kéo dài.

Báo chí góp phần răn đe, cảnh tỉnh rất lớn

Hồi tháng 3.2021, Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài "Ai bảo kê bãi xe lấn chiếm hàng ngàn mét vuông sông" phản ánh chủ 2 khu đất số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) lấn chiếm đất sông, kinh doanh xe dù, bến cóc gây mất an ninh trật tự.

Bà Nguyễn Thị Hồng Đào, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Bình Thạnh cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, Quận ủy Bình Thạnh đã yêu cầu các đơn vị xác minh. Kết quả, UBND Q.Bình Thạnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, tổ chức cưỡng chế thu hồi phần đất lấn chiếm sông rạch, trả lại phần đất lấn chiếm hơn 1.250 m2. Đồng thời, chấm dứt hoạt động kinh doanh vận tải tại 2 "bến cóc" trên.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá, báo chí đã luôn sâu sát thực tiễn để kịp thời phát hiện, phản ánh chính xác, khách quan, trung thực những sai phạm của các tập thể và cá nhân trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được phát huy đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. "Điều đó góp phần tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ", ông Hải nhìn nhận.

Để báo chí tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc phát ngôn và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đúng quy định.

Quy trình xử lý thông tin từ phản ánh của báo chí

Bước 1: Trong 10 ngày làm việc kể từ khi có thông tin phản ánh, thực hiện báo cáo giải trình các nội dung: nội dung vụ việc; tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; đề xuất phương pháp giải quyết.

Bước 2: Trong 7 ngày làm việc từ ngày nhận được báo cáo giải trình, văn phòng cấp ủy tổng hợp, báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy hình thức, phương thức xem xét, xử lý.

Bước 3: Trong 10 ngày làm việc, ban thường vụ cấp ủy quyết định chỉ đạo xem xét, xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.