13 tỉnh, thành đang có dịch tả lợn châu Phi
TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo từ các tỉnh đưa về; tại TP có 3.917 hộ chăn nuôi heo nên nguồn lây nhiễm loại dịch bệnh này rất cao. Công tác phòng chống dịch tại TP đang diễn ra tích cực từ trong nội thành cũng như tại các cửa ngõ ra vào.
[VIDEO] Gian nan chống dịch tả lợn châu Phi tại cửa ngõ TP.HCM
|
Trốn tránh kiểm dịch
|
Trong số đó, xe tải BS 47C-156.75 chở 190 con heo từ Bắc Giang vào Tiền Giang bị phát hiện có các lỗi vi phạm. Tài xế xe này luôn khẳng định “làm đúng quy định và đi qua nhiều tỉnh cũng không ai nhắc nhở”. Theo đoàn kiểm tra, mặc dù số heo trên xe này có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng tài xế cố tình né tránh không vào các trạm kiểm dịch đầu mối tại các tỉnh để tiêu độc khử trùng và kiểm dịch; các dây niêm phong không cột đúng quy định khiến tài xế có thể thay đổi số lượng heo khi đi trên đường.
21 giờ cùng ngày, biết đoàn kiểm tra đang làm việc tại trạm thu phí, nhiều xe chở heo, vịt, tôm giống tấp vào bãi đất trống gần vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2) để... né. Nhận tin báo, đoàn kiểm tra bất ngờ di chuyển và tiếp cận những xe này. Các tài xế lên xe định bỏ chạy, nhưng đều bị giữ lại. Qua kiểm tra, hầu hết xe tải chở heo, tôm giống, vịt đều bị lập biên bản với các lỗi như: không có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy kiểm dịch không đúng quy định, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, trốn tránh kiểm dịch...
Sáng 8.3, PV Thanh Niên tiếp tục theo Đoàn 2 chốt chặn tại Trạm thu phí cầu Phú Mỹ. Đoàn đã lập biên bản xử phạt xe tải 60C-260.47 chở vịt từ Lâm Đồng về Tiền Giang, do không đảm bảo vệ sinh thú y. Sau đó, đoàn tiếp tục chốt chặn tại nút giao Mai Chí Thọ và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kiểm tra các xe khách từ Đồng Nai về TP, phát hiện xe khách Cúc Phương BS 60B-028.17 nhưng lại chở thịt heo và gà sống nên lập biên bản vi phạm. Theo đoàn kiểm tra, các tài xế vận chuyển heo, gia cầm, tôm giống đều canh lực lượng chức năng rất kỹ. Do vậy, đoàn kiểm tra linh động giờ giấc để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ dịch bệnh.
Nguy cơ lây nhiễm cao
[VIDEO] “Thủ phủ heo” Đồng Nai cắn răng giảm đàn vì dịch tả lợn châu Phi
|
Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên heo, không lây sang người. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
|
Sáng 8.3, Đoàn 2 phát hiện xe tải đông lạnh BS 72C-026.54 lưu thông qua Trạm thu phí cầu Phú Mỹ, chở 4 con heo đã làm thịt (khoảng 300 kg) không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc nên lập hồ sơ xử lý. Khi đưa về trụ sở Đội CSGT Cát Lái lập biên bản thì tài xế xuất trình 3 giấy chứng nhận kiểm dịch cho số thịt nói trên nhưng không hợp lệ. Theo tài xế này, số heo trên được mua từ các hộ dân, rồi giết mổ lậu tại một điểm trên đường Lò Lu (Q.9) để bán tại chợ nhỏ, tự phát trên địa bàn Q.7, H.Nhà Bè. Đoàn 2 lập biên bản, lấy mẫu đi kiểm tra dịch tả lợn châu Phi. “Hiện nay các chợ nhỏ, chợ tự phát trên địa bàn TP không ai kiểm soát, kiểm tra nên việc mua bán các loại thịt không rõ nguồn gốc tràn lan dễ dẫn đến lây nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm”, một cán bộ đoàn kiểm tra nói.
“Nguy hiểm nhất là xe tải chở heo từ phía bắc (vùng đang có dịch) mà không tuân thủ các quy định về kiểm dịch, tiêu độc khử trùng thì nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi từ tỉnh này sang tỉnh khác là điều khó tránh khỏi”, ông Phát khuyến cáo.
Kiểm soát vận chuyển, ngăn dịch lan vào miền Nam
Ngày 9.3, Chủ tịch UBND H.Hoa Lư (Ninh Bình) đã ban hành quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện. Theo đó, ngày 8.3, Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Ninh Bình nhận được thông tin heo nuôi của gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (tại thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, H.Hoa Lư) có biểu hiện ốm, chết. Chi cục đã lấy 4 mẫu máu và phủ tạng heo ốm, chết gửi đi xét nghiệm; kết quả 2/4 mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh ngày 9.3 cho biết, cả 4 mẫu bệnh phẩm lấy tại đàn heo 14 con của gia đình bà Nguyễn Thị Làn (thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX.Đông Triều) đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Chính quyền các địa phương đã tiêu hủy số heo nhiễm bệnh, triển khai khoanh vùng dập dịch.
Theo thông tin từ Cục Thú y và tổng hợp từ các địa phương, đến ngày 9.3 đã có 13 tỉnh, thành đang có dịch tả lợn châu Phi, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định và Ninh Bình.
Trong ngày 9.3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị với 29 tỉnh, thành từ Thừa Thiên-Huế trở ra phía bắc để đánh giá công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng lan rộng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ khi có dịch tả lợn châu Phi ở miền Bắc, số lượng heo từ các tỉnh phía bắc vận chuyển vào tiêu thụ tại các tỉnh phía nam tăng
2 - 3 lần. Nguyên nhân là do giá heo ở thị trường miền Nam luôn cao hơn các tỉnh miền Bắc từ 5.000 - 10.000 đồng/kg và do ở các tỉnh phía bắc đang có dịch, nhiều lứa heo gần đến thời kỳ xuất chuồng được người chăn nuôi bán sớm, thu hồi vốn không để bị nhiễm dịch. Ông Tiến nhấn mạnh, đây sẽ là nguy cơ cao khiến dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào các tỉnh miền Nam, cũng là vùng trọng điểm chăn nuôi heo.
Để phòng ngừa và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi từ miền Bắc vào miền Nam, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y phối hợp lực lượng thú y các địa phương thành lập vùng kiểm soát vận chuyển heo tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ở mỗi trạm, cán bộ thú y phải kiểm soát chặt chẽ giấy tờ chứng minh nguồn gốc heo, giấy phép kiểm dịch; kiểm tra lâm sàng xem heo có các triệu chứng khả nghi, dấu hiệu bệnh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp dương tính với dịch tả lợn châu Phi phải tổ chức tiêu hủy ngay. Qua mỗi trạm kiểm soát, các xe vận chuyển heo, thịt heo đều phải phun thuốc khử trùng.
Phan Hậu - Minh Hải - Lã Nghĩa Hiếu
|
Bình luận (0)