Ngày 16.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã ghi nhận những kết quả nổi bật của TP.HCM cũng như đặt ra những yêu cầu cụ thể về phát huy thế mạnh về năng lực sử dụng tiếng Anh đối với học sinh TP.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận TP.HCM là địa phương có số lượng học sinh nhiều thứ 2 trên cả nước và theo thống kê hiện có 347.000 học sinh chưa có hộ khẩu. Tuy nhiên, TP.HCM đã triển khai công tác chuyển đổi số trong tuyển sinh đầu cấp hết sức nổi bật và có cơ chế để tạo điều kiện cho học sinh chưa có hộ khẩu vẫn được tham gia học tập với quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
"Việc thực hiện tuyển sinh không máy móc, quá cứng nhắc cho thấy TP.HCM đã vượt lên khó khăn, nỗ lực để đảm bảo đủ chỗ học cho người dân trong tình trạng đô thị hóa tại TP ngày càng cao, áp lực rất lớn về trường lớp…", ông Thưởng nói.
Đặc biệt Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu điểm ấn tượng của giáo dục TP.HCM là có những mô hình giáo dục thành công như lớp học số, lớp học mở, đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND ngày 20.11.2014 của UBND TP.HCM" (gọi tắt là Đề án 5695/QĐ-UBND). Những mô hình này đã phát huy lợi thế của TP.
Ông Thưởng phân tích: "Tại sao 8 năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của học sinh TP.HCM luôn cao nhất toàn quốc. Đó là sự quan tâm của chính quyền TP, công tác tham mưu, chủ động đề xuất của Sở GD-ĐT, triển khai các chương trình trong ngành giáo dục. Với môi trường giáo dục thuận lợi, năng động, sáng tạo trong sự điều hành phát triển kinh tế của TP đã tạo nên những thành tựu trên; trong đó phải kể đến Đề án 5695 mà ngành GD-ĐT đã kiên trì thực hiện trong suốt 10 năm qua".
Từ đó, ông Thưởng giao nhiệm vụ: "TP.HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của đất nước mà còn của khu vực, trình độ tiếng Anh của học sinh phải ngang tầm khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, TP.HCM phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hơn nữa.
Làm sao TP.HCM sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc. Bộ GD-ĐT sẽ cùng với TP triển khai bởi TP đã có những quy định, căn cứ để thực hiện, như việc triển khai đề án tiếng Anh trong suốt thời gian qua. Với sự phát triển kinh tế xã hội, môi trường thuận lợi, thông thoáng trong chỉ đạo điều hành, giáo dục TP.HCM là lá cờ đầu của toàn quốc trong tổ chức triển khai dạy học. Tôi tin rằng, các cơ quan bộ sẽ có sự chỉ đạo để đây là điểm sáng, tổng kết, đúc rút, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý TP phải làm sao quan tâm, chăm sóc đội ngũ giáo viên theo hình thức vừa khuyến khích, vừa truyền lửa, tạo điều kiện, cơ chế. Chăm lo đội ngũ, thầy cô tâm huyết, gắn bó thì mọi khó khăn cơ bản sẽ được giải quyết.
Sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và lớp 10 muộn nhất vào tháng 11
Năm học này, có nhiều điểm mới, trong đó có kỳ thi lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi các cấp theo Chương trình GDPT 2018. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành quy chế để các trường thực hiện, triển khai. Muộn nhất tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế hướng dẫn thi tuyển sinh lớp 10 để học sinh, giáo viên có sự chuẩn bị, không bỡ ngỡ trong phương thức thi tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Bình luận (0)