>>
Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 1: Nhà nhà xây "đê"
/
Bài 2: Nghèo vì chống ngập
/
Bài 3: Đỉnh triều còn tăng
/
Bài 4: Chống ngập bằng "hồ điều tiết"
>>
Sài Gòn mùa lũ: Khốn khổ vì ngập
>> Sài Gòn mùa lũ: Bi hài vùng rốn lũ
Theo đánh giá của lãnh đạo TP, từ đầu năm đến nay, dù Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo nhiều biện pháp chống ngập, nhưng việc thực hiện công tác này vẫn chưa được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đứng mức; tiến độ thực hiện các dự án thoát nước quy mô lớn chậm, chưa kết nối đồng bộ; tổ chức thi công chưa khoa học, việc xử lý lấn chiếm kênh, rạch, hệ thống thoát nước chưa kiên quyết, triệt để; hệ thống đê bao ngăn triều chưa được đầu tư căn cơ, đã phát sinh các điểm ngập nước mới và một số điểm tái ngập, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, đời sống nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.
Tình trạng ngập nước đang diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: M.N |
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2010 - 2015, lãnh đạo TP yêu cầu trước mắt phấn đấu kéo giảm một số điểm ngập nước, thời gian, mức độ ngập do mưa và triều cường, không để tình trạng bể bờ bao gây ngập nặng ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP giao UBND TP chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong nước và nước ngoài, Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu, đề xuất các biện pháp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu; tính toán tiêu chí về các yếu tố mưa, triều, lũ, sinh thái khi xem xét lập hồ sơ các dự án, thiết kế công trình để khi đưa vào sử dụng bảo đảm tính bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các sở, ngành, các ban quản lý dự án liên quan nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm về những hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác xóa, giảm ngập nước trên địa bàn; xử lý nghiêm trách nhiệm của nhà thầu, giám sát thi công, đơn vị thi công; tăng cường phối hợp tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; công khai cho nhân dân biết để cùng tham gia giám sát, hỗ trợ thực hiện các dự án chống ngập nước trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, phê duyệt và tiến hành dự án xây dựng ngay một số hồ điều tiết ở Khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2), Khu đô thị Tây Bắc (H. Củ Chi), H.Bình Chánh; khu đất 150 ha dự kiến làm công viên ở P.Thạnh Xuân, Q.12.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP được giao chủ trì phối hợp với các sở - ngành, ủy ban nhân dân quận - huyện tham mưu, đề xuất những quy định cụ thể về vị trí cần xây dựng tuyến đê, đê kết hợp giao thông trong chi giới đường sông, bảo đảm thuận lợi khi xây dựng, gia cố, sửa chữa; đồng thời hạn chế tình trạng lấn chiếm, bảo vệ an toàn cho tuyến đê và tăng dung tích chứa nước khi có mưa, triều, lũ. Đồng thời giao các sở - ngành chức năng nghiên cứu ứng dụng ngay các công nghệ mới trong thi công các công trình thoát nước, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch như đê, kè, bờ bao,... bảo đảm tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao và mỹ quan đô thị.
Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn được giao khẩn trương xây dựng dự án sản xuất cừ nhựa uPVC để sớm có sản phẩm phục vụ yêu cầu xây lắp các tuyến đê bao xung yếu của thành phố; giao Chủ tịch UBND quận - huyện liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thuộc các dự án, công trình đê bao, nạo vét kênh rạch phục vụ tiêu thoát nước, nhất là công tác đền bù, hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân tại các dự án, xác định đây là nhiệm vụ cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay…
Minh Nam
Bình luận (0)