Bé chuẩn bị sinh thì gia đình mới hay biết
Ngày 11.12, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM (còn được gọi là Mô hình Bồ Công Anh, sau đây gọi tắt là mô hình) đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5) gần đây đã tiếp nhận một trường hợp bé 11 tuổi nghi bị xâm hại. Hiện bé đang nằm theo dõi thai hơn 8 tháng.
Theo ghi nhận từ phía gia đình của các nhân viên xã hội thuộc mô hình, bé đang là học sinh cấp hai và sống cùng gia đình tại Q.8. Gia đình không biết bé có thai, chỉ nghĩ là do bị tăng cân. Đến khi thấy bụng của bé ngày càng to, mẹ bé dẫn đi khám thì mới phát hiện bé đã mang thai 26 tuần.
Gia đình bé vẫn chưa biết lý do bé mang thai vì khi hỏi thì bé chỉ khóc và im lặng. Hiện gia đình đã bảo lưu việc học của bé, dự định sau khi bé sinh xong thì gia đình sẽ tiếp tục nuôi con của bé và cho bé đi học lại. Gia đình bé hiện không muốn tìm hiểu sâu về nguyên nhân bé có thai và mong muốn được tự giải quyết vấn đề.
801 trường hợp "trẻ em sinh trẻ em"
Trường hợp kể trên chỉ là ca gần nhất mà mô hình tiếp nhận và hỗ trợ. Tính từ tháng 3.2023 - 10.2024, mô hình đã hỗ trợ cho 133 ca nghi bị bạo lực, xâm hại tình dục và trong số này có 128 trường hợp (chiếm tỷ lệ 96%) là trẻ em. Cụ thể, nhóm tuổi 11 có 1 ca, nhóm tuổi 12 có 3 ca, nhóm tuổi 13 có 6 ca, nhóm tuổi 14 có 21 ca, nhóm tuổi 15 có 32 ca, nhóm tuổi 16 có 32 ca, nhóm tuổi 17 có 33 ca. Còn lại 5 trường hợp có nhóm tuổi 25, 32, 33, 34, 38.
Trong số 133 trường hợp thì có 114 ca "trẻ em sinh trẻ em". Đáng chú ý đây chỉ là số trường hợp đồng ý sử dụng dịch vụ của mô hình. Trên thực tế, ngoài mô hình, trong khoảng thời gian từ tháng 3.2023 - 9.2024, tại Bệnh viện Hùng Vương cũng ghi nhận 687 trẻ vị thành niên sinh con (trong số này có 184 em đã bỏ thai).
Điều này có nghĩa là tính chung khoảng thời gian thì tại bệnh viện đã ghi nhận có 801 trường hợp "trẻ em sinh trẻ em".
Đa số người bị bạo lực, xâm hại được mô hình hỗ trợ đều sống trong gia đình chứ không phải mái ấm. Theo thống kê, có gần 49% trẻ trong tổng số 133 trường hợp mà mô hình hỗ trợ cho biết hoàn cảnh gia đình là cha mẹ ly hôn, mồ côi cha hoặc mẹ, cha mất và mẹ bỏ rơi, cha, mẹ và trẻ ở các địa phương khác nhau, trẻ sống cùng bạn trai. Còn lại là các trường hợp mồ côi cả cha và mẹ; cha, mẹ là công nhân, làm việc tự do; quen bạn trai qua internet; chồng, bạn trai, gia đình chồng bạo hành…
Số gia đình truy đến cùng vụ việc là rất ít
Cũng theo thống kê, gia đình của 103/133 trường hợp chấp nhận việc nạn nhân bị xâm hại, 13 trường hợp báo công an, tố giác hoặc đi kiện. Còn lại là gia đình không muốn báo công an, che giấu hoặc báo công an nhưng sau đó bãi nại, muốn giám định thương tật, muốn được hỗ trợ hoặc tạm lánh, không chia sẻ thông tin...
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết thực trạng "trẻ em sinh trẻ em" là đáng báo động và các chuyên gia về trẻ em rất quan ngại vấn đề này, bởi những đứa trẻ mới 13 - 14 tuổi đã phải đối mặt với việc mang thai và sinh con.
Các em không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và tâm lý, mà câu hỏi lớn đặt ra là các em sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng nhau ra sao. Chưa kể, đó mới chỉ là thống kê ở Bệnh viện Hùng Vương chứ chưa bao gồm dữ liệu từ các bệnh viện khác tại TP.HCM, nên số liệu này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các em gái vị thành niên, nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, theo nhiều thống kê (như từ Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam và Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em của Bộ Y tế), mỗi năm ghi nhận khoảng 300.000 ca phá thai, trong đó có khoảng 60 - 70% là học sinh, sinh viên.
Ra mắt vào ngày 24.3.2023, Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM là sáng kiến đầu tiên tại Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ toàn diện cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
Thay vì phải tìm kiếm hỗ trợ từ nhiều nơi, nạn nhân chỉ cần đến đây để nhận được các hỗ trợ, dịch vụ như chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý. Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên sẽ chuyển nạn nhân đến Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM để được chăm sóc và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác.
Bình luận (0)