Khuya 18.3, Đội Cảnh sát giao thông Tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM đã lập chốt kiểm tra xử lý nồng độ cồn theo chuyên đề, trên đường Phạm Văn Đồng .
|
Tại đây, hầu hết các ô tô đều được yêu cầu dừng lại để kiểm tra giấy tờ và kiểm tra nồng độ cồn. Nhằm đảm bảo quá trình kiểm tra không bị gián đoạn, ùn tắc các phương tiện, tổ công tác đã đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Đây là hình thức kiểm tra mới được áp dụng và không mất nhiều thời gian dừng, đo nồng độ cồn với các tài xế.
Theo đó, lái xe không cần xuống xe, chỉ cần trả lời một vài câu hỏi đơn giản của CSGT. Qua hơi thở của tài xế, máy đo sẽ xác định tài xế có sử dụng bia rượu hay không. Nếu phát hiện tài xế có nồng độ cồn, CSGT cho kiểm tra kỹ hơn để xác định cụ thể mức vi phạm.
|
Theo một cán bộ CSGT, việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế giúp lực lượng sàng lọc cụ thể nhóm tài xế “cảnh báo” có cồn.
Trong buổi tối kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 4 tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó có 2 tài xế (1 nam, 1 nữ) bị xử phạt kịch khung vì nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
|
Bị CSGT kiểm tra, phát hiện vi phạm nồng đồ cồn 0.498 mg/lít khí thở, một nữ lái ô tô (27 tuổi, quê Bình Phước) liên tục... năn nỉ lực lượng chức năng bỏ qua vì mức xử phạt lên đến 35 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nghe giải thích về mức độ nguy hiểm khi lái xe có nồng độ cồn, chị này phải ký vào biên bản vi phạm.
Tương tự, một lái xe khác là nam, 45 tuổi, cũng bị xử phạt kịch khung vì nồng độ cồn vượt quá 0.5 mg/lít khí thở. Anh này cũng năn nỉ CSGT bỏ qua nhưng không được. Tài xế này nói "chỉ uống vài lon bia, mức xử phạt quá nặng, nếu phạt chắc bỏ xe luôn!”. Người này cũng không xuất trình được giấy phép lái xe và cho biết trước đó đã bị xử phạt nguội về một lỗi vi phạm khác (?).
|
Theo cán bộ Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, sau khi xử phạt các lái xe vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng sẽ ghi hình toàn bộ quá trình kiểm tra nhằm tránh khiếu nại về sau.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với trường hợp:
Tài xế điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
|
Bình luận (0)