TP.HCM: Phẫu thuật robot trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 cho cụ bà 89 tuổi

Lê Cầm
Lê Cầm
15/10/2024 17:15 GMT+7

Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân vừa phẫu thuật robot cắt khối u đại tràng bên phải cùng các hạch ung thư cho cụ bà N.T.Q. (89 tuổi, ở TP.HCM).

Trước đó, do có dấu hiệu đi tiêu phân đen, đau âm ỉ vùng bụng bên phải, cụ Q. được người nhà đưa đến một cơ sở y tế tại TP.HCM để thăm khám. Tại đây, hình ảnh CT-scan bụng của người bệnh có khối u đại tràng phải cùng nhiều hạch lan xung quanh. Kết quả sinh thiết sau nội soi xác định đây là khối ung thư.

Tình trạng bệnh khiến cụ Q. ăn uống kém, thiếu máu, cơ thể ngày càng sụt cân. Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn nhịp tim khiến việc phẫu thuật cho cụ gặp nhiều khó khăn.

Cụ Q. xuất viện về nhà và cứ 2 tuần lại phải nhập viện truyền máu. Khi biết đến kỹ thuật phẫu thuật robot để điều trị ung thư đại tràng với sự xâm lấn tối thiểu, ít đau và mau hồi phục, cụ Q. quyết định đến Bệnh viện Bình Dân để phẫu thuật.

Ngày 15.10, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Phú Hữu (Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân) cho biết, phẫu thuật cho người bệnh 89 tuổi, ung thư giai đoạn 3 và đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng là một thử thách không nhỏ. Các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa và chuẩn bị rất kỹ để có thể tiến hành phẫu thuật, đáp lại sự kiên cường và tin tưởng của cụ.

TP.HCM: Phẫu thuật robot trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 cho cụ bà 89 tuổi- Ảnh 1.

Bệnh nhân cảm ơn bác sĩ trước khi xuất viện

N.N

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể đi đại tiện bằng đường tự nhiên

Với sự cố gắng của các ê kíp, ca phẫu thuật kéo dài 120 phút của cụ Q. thành công tốt đẹp. Khối u được bóc tách hoàn toàn, lấy các hạch nhanh chóng và nhất là bảo tồn được các mô lành trong ổ bụng của người bệnh. Sau khi cắt khoảng 40 cm đại tràng phải có khối u, bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch bạch huyết. Robot phẫu thuật cũng cho phép các bác sĩ tái lập lưu thông đường tiêu hóa ngay trong một lần mổ. Nghĩa là nối 2 đầu đoạn ruột lại với nhau chính xác và thuận tiện, thay vì phải thực hiện trong 2 lần mổ khác nhau. Nhờ vậy đảm bảo cho người bệnh chức năng đại tiện bằng đường tự nhiên mà không cần phải mở hậu môn nhân tạo ra thành bụng. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với chất lượng cuộc sống của người bệnh và người thân.

Sau phẫu thuật, cụ Q. được chăm sóc tại phòng Hồi sức của khoa ngoại tiêu hóa và đã bắt đầu ăn uống trở lại ở ngày hậu phẫu thứ 3. Người bệnh tiếp tục được chăm sóc dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân sau phẫu thuật có thể vận động sớm.

Kết quả siêu âm kiểm tra ổ bụng vào ngày hậu phẫu thứ 7 của người bệnh có kết quả ổ bụng sạch, không có dịch. Cụ xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 10.

Chia sẻ với bác sĩ trước khi xuất viện, cụ Q. cho biết: "Lúc mới phẫu thuật ra thấy mệt, nhưng giảm dần, tới giờ phút này thì thấy khỏe. Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi được sống lại một lần nữa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.