Trưa 21.5, ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch UBND P.17, Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho biết cơ quan chức năng vừa tạm phong tỏa một phần chợ Phú Nhuận để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và khử khuẩn vì có ca nghi nhiễm Covid-19 từng đến.
Theo ghi nhận, khoảng hơn 7 giờ, một hàng rào được dựng chắn ngang một bên cổng chợ, có bảo vệ dân phố, công an đứng điều tiết xe qua lại, tránh tập trung đông ở trên đường Phan Đình Phùng. Bên trong, nhiều nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn khu vực.
|
Đến 12 giờ, bảo vệ dân phố vẫn đang chốt trực ở đầu cổng chợ, điều tiết xe qua lại, nhiều người trong chợ chủ động xin đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, một số hàng đóng cửa, một số thì thu dọn lại hàng hóa.
"Đã xin Covid-19 đừng gọi tên rồi, mà..."
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) - bán nước giải khát sát khu vực bị phong tỏa tạm thời kể, khoảng 7 giờ sáng, lực lượng chức năng đến phong tỏa một phần chợ, khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm người dân sống trong con hẻm và gần đó khiến bà có chút hoang mang.
Bà Cúc tiếp lời: “Hôm qua đi làm về thấy ở đâu bên Bình Thạnh bị phong tỏa, tôi nghĩ có khi nào tới mình không. Ai dè hôm nay Covid-19 nó tới thiệt. Đã nghĩ xin Covid-19 đừng gọi tên rồi mà, chán không muốn nói luôn!”.
|
Cũng theo chủ quán nước, trong con hẻm bị phong tỏa chủ yếu là những hàng quán chuyên bán thực phẩm, tạp hóa và các mặt hàng may mặc. Là bạn buôn bán lâu năm với nhau, bà cũng buồn và chia sẻ, động viên khi thấy bạn hàng phải đóng cửa.
“Thấy cũng tội vì dịch Covid-19 nhiều người khó khăn, nay nghỉ bán thì biết làm gì mà sống. Chỉ mong là tình hình này không kéo dài, ai nấy đều xét nghiệm âm tính để còn làm ăn”, bà tâm sự.
Sáng nay, bà Cúc đã chủ động xin lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm để “chắc ăn” là mình có mắc bệnh hay không. Điều đó cũng khiến bà thấy yên tâm hơn, cũng là vì sự an toàn của gia đình bà và những người xung quanh.
|
Bà Kim Oanh (45 tuổi, bán tạp hóa hơn 20 năm ở chợ Phú Nhuận) cho biết, sáng ra, bà đã nghe thông tin chỗ mình bán bị phong tỏa nên vội chạy ra xem. Theo lời bà Oanh, những người trong chợ nói với nhau là có người nghi nhiễm Covid-19 đã vào chợ ăn uống, mua đồ nên chợ tạm thời bị phong tỏa.
“Sạp của tôi sát sạp trong con hẻm bị phong tỏa luôn nên cũng hơi sợ. Cũng may là có vách ngăn giữa hai bên nên tôi vẫn tiếp tục bán chứ không chắc cũng bị phong tỏa luôn rồi”, bà cho hay.
Tuy nhiên, từ lúc chợ bắt đầu phong tỏa một phần, tiệm tạp hóa của bà Oanh vắng khách hẳn, bà cũng liên tục có điện thoại của khách quen gọi hỏi thăm tình hình phong tỏa, có ảnh hưởng gì không.
|
“Tâm lý chung phòng dịch Covid-19 mà, thấy rào chắn phong tỏa vậy ai dám vô chợ làm gì, người ta ra chợ khác người ta mua chứ vô đây mắc công này kia lại thêm phức tạp. Nếu phong tỏa kéo dài chắc việc buôn bán sẽ khó khăn, nhưng cứ phải tuân theo quy định vì mình và mọi người thôi", chủ tiệm tạp hóa chia sẻ.
"Ai mua nữa đâu mà bán"
Anh Phan Văn Tấn (bán nước mía trước khu vực chợ Phú Nhuận) thì nói khi biết tin, không đợi chính quyền nhắc nhở anh lập tức đóng cửa quán vì “tình hình này thì buôn bán gì nữa”. Trong quán, bàn ghế và nguyên liệu được xếp lại ngay ngắn, chủ quán cũng đã khép cửa hờ từ lâu. Nhìn vào hàng rào chắn trước hẻm, anh Tấ cho hay, sẽ đóng cửa đến khi nào được gỡ phong tỏa mới mở lại.
|
Cuộc trò chuyện chúng tôi cắt ngang khi có một khách quen của quán anh Tấn lại hỏi mua nước, nhưng anh thông báo: “Nghỉ nha em ơi! Đợi nào hết phong tỏa mới bán lại. Em thông cảm nha”.
Bà Bảy (66 tuổi, bán tạp hóa) thì cho hay, từ lúc phong tỏa, tiệm bà không có khách nào, nhưng đó không thành vấn đề. Điều khiến bà lo lắng là do bà đều quen biết với nhiều chủ sạp trong khu vực bị phong tỏa. "Nghĩ thấy thương những người bán bên trong vì trước khi dọn hàng, một số người cũng than thở nói rằng đóng cửa vậy thì không biết buôn bán như thế nào. Khu đó là khu đông khách nhất chợ đó", bà Bảy bộc bạch.
Bình luận (0)