TP.HCM sẵn sàng ứng phó tình huống xấu nhất với dịch tả lợn châu Phi

Chí Nhân
Chí Nhân
31/05/2019 17:27 GMT+7

Ngày 31.5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi.

Cũng trong sáng 31.5, tại phiên thảo luận của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường thông tin: Dịch tả lợn châu Phi lan ra 48 tỉnh thành, hơn 2 triệu con lợn bị tiêu hủy. Nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có và quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày, lan vào cả những hộ chăn nuôi lớn.
Trước đó, ngày 30.5, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp dự trữ đông thịt heo, Chính phủ sẽ có biện pháp khuyến khích hỗ trợ. Bộ NN-PTNT khuyến cáo người dân không tăng đàn lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), gia cầm, thủy sản.

Kiểm soát chặt nguồn heo từ các tỉnh

Thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn trên 274.000 con. Trong đó, 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn. Đây là nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra địa bàn ghi nhận đến nay chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh dịch. Dù tổng đàn heo ít, nhưng TP.HCM lại là địa phương tiêu thụ thịt heo số lượng lớn với số lượng giết mổ bình quân hằng đêm là 6.500-7.000 con heo/ngày, trong đó nguồn heo nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai trên 47,27%.
UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện tập trung tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm và không để tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn. Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để tồn tại các trường hợp giết mổ gia súc trái phép làm lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Ngành nông nghiệp thành phố đã chủ động làm việc với tỉnh trong việc chia sẻ thông tin dịch bệnh, triển khai các biện pháp phối hợp phòng chống dịch bệnh và thống nhất một số biện pháp phối hợp trong công tác kiểm dịch heo sống và sản phẩm thịt heo nhập vào thành phố.
Báo cáo của Sở NN-PTNT TP.HCM, nêu: Trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng trên cả nước là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, phòng chống và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là công việc cấp bách và quan trọng hiện nay. Do phần lớn lượng heo tiêu thụ trên địa bàn được đưa về từ các tỉnh trong khu vực do đó công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn heo nhập cần được tăng cường phối hợp chặt chẽ tránh để mầm bệnh xâm nhập vào thành phố.

Giúp dân tìm đầu ra

Mặc dù các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra tình trạng giết mổ trái phép trên địa bàn, tuy nhiên, tình trạng giết mổ trái phép vẫn còn tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm tại một số địa phương; tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh do nguồn heo giết mổ không có nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát...
Dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh trên phạm vi cả nước Hoàng Giáp
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết: Từ tháng 3, đã phối hợp với sở NN-PTNT lên phương án đối phó trong trường hợp xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong trường hợp quy mô dịch nhỏ lẻ sẽ xử lý tại địa phương. Và cũng đã có phương án cho trường hợp dịch xảy ra quy mô lớn lên đến cả ngàn con. Các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, nói: Hiện tại TP.HCM sẵn sàng với tình huống xấu nhất. Tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phòng dịch và cần phải triển khai đồng bộ, tăng cường tất cả các biện pháp. Các quận, huyện cần chủ động lập thêm các chốt kiểm dịch tại chỗ ngoài các chốt kiểm dịch của thành phố. Đặc biệt chú ý việc vận chuyển thịt heo vào thành phố bằng những con đường nhỏ các phương tiện thô sơ như xe máy. Việc này cần phải được thực hiện kiên trì vì thực tế của nước ta là đã có nơi kiểm soát được dịch sau đó lại để tái phát.
Cũng theo ông Trung, sẽ rà soát lại và triển khai tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh dịch bệnh đối với các đơn vị quân đội và công an có nuôi heo. “Quan trọng nhất hiện nay là tập trung hướng dẫn người dân cách “phòng thủ” với dịch bệnh. Ngành nông nghiệp sẽ tập hợp danh sách các hội nuôi nhỏ lẻ giúp họ liên kết lại với nhau và tìm doanh nghiệp đầu mối để xuất heo giúp dân. Việc này vừa giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với để thương lái thu gom hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.