TP.HCM sẽ đàm phán 3 bên lãi vay dự án chống ngập 10.000 tỉ

07/11/2024 18:56 GMT+7

Trong quá trình điều chỉnh tổng thể dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng, UBND TP.HCM sẽ đàm phán với nhà đầu tư và Ngân hàng BIDV về lãi vay phát sinh.

Chiều 7.11, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ, tiến độ dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng của TP.HCM được nhiều phóng viên đặt ra, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đưa dự án này vào "tầm ngắm".

Dự án chống ngập do triều có tổng mức đầu tư 9.976 tỉ đồng, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam, Ngân hàng thương mại CP đầu tư phát triển VN (BIDV) tái cấp vốn.

Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Được khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong 3 năm nhưng dự án liên tục trễ hẹn, nhiều lần phải dừng thi công. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay, dự án đạt hơn 90% khối lượng, riêng hạng mục cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%...

Còn theo báo cáo của nhà đầu tư, hồi cuối tháng 11.2023, dự án giải ngân 8.276 tỉ đồng, bao gồm vốn vay 7.094 tỉ đồng và vốn tự có 1.181 tỉ đồng. Nhà đầu tư báo cáo nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành dự án khoảng 1.800 tỉ đồng.

TP.HCM sẽ đàm phán 3 bên lãi vay dự án chống ngập 10.000 tỉ- Ảnh 1.

Cống kiểm soát triều Tân Thuận giữa Q.4 và Q.7, TP.HCM

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Hợp tác công tư, Sở KH-ĐT, cho biết cuối tháng 9.2024, UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng 3 vướng mắc của dự án chống ngập do triều gồm: thẩm quyền quyết định dự án khi tổng mức đầu tư thuộc dự án quan trọng quốc gia (tăng hơn 10.000 tỉ đồng); không có nguồn vốn để hoàn thành công trình; chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT.

Để tháo gỡ vướng mắc, UBND TP.HCM đề xuất phương án tháo gỡ như sau. Do tổng mức đầu tư dự án thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp, do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Do đó, TP.HCM đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.

Ưu tiên hoàn thành cống Bến Nghé

Thông tin về tiến độ giải quyết, ông Hưng cho hay, Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ ngành trung ương. Thủ tướng đã có nhiều văn bản nhắc nhở việc này, đến nay chưa có ý kiến chính thức.

Trong văn bản mới đây, nhà đầu tư cho biết, đang phải chịu lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỉ đồng, dự án càng kéo dài thì tổng mức đầu tư càng tăng. Ông Hưng cho rằng, con số này dựa trên báo cáo sơ bộ theo tính toán của nhà đầu tư.

TP.HCM sẽ đàm phán 3 bên lãi vay dự án chống ngập 10.000 tỉ- Ảnh 2.

Người dân vất vả đi lại trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM)

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Trong quá trình điều chỉnh tổng thể dự án sẽ có nội dung quan trọng là đàm phán lãi vay, tính mốc thời gian, con số cụ thể sẽ được xác lập trong quá trình đàm phán 3 bên giữa UBND TP.HCM, nhà đầu tư và BIDV.

Về đưa hạng mục dự án vận hành trước, kỹ thuật dự án đòi hỏi phải hoàn thành tất cả hạng mục mới phát huy hiệu quả. Do đó, việc đưa một vài hạng mục vào vận hành trước sẽ khó. Tuy nhiên, TP.HCM sẽ phối hợp với nhà đầu tư ưu tiên hoàn thành hạng mục cống Bến Nghé để thể hiện quyết tâm của nhà đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.