TP.HCM sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho trí thức kiều bào

30/01/2016 10:00 GMT+7

Những đóng góp của kiều bào luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay.

Khẳng định trên được ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tại buổi họp mặt ấm áp mừng xuân Bính Thân 2016 do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức vào chiều tối 29.1.
Kiều bào tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: Diệp Đức Minh
Kiều bào tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tham dự buổi gặp mặt có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư thường trực TP.HCM Võ Văn Thưởng; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng gần 1.000 kiều bào ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kiều hối tăng 8 - 10%/năm
Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để trí thức kiều bào về nước hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn thành phố
Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Nguyễn Thành Phong trân trọng cảm ơn tình cảm đặc biệt của bà con kiều bào đã dành cho quê hương đất nước.
Năm qua, với sự chung sức đồng lòng của người dân, sự quan tâm đầu tư của bà con kiều bào, TP đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với GDP bình quân đầu người hiện ước đạt 5.538 USD.
“Những kết quả mà TP đạt được có sự đóng góp không nhỏ của bà con kiều bào ta ở nước ngoài. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng cộng đồng người VN ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc VN; luôn đánh giá cao sự đóng góp của bà con kiều bào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung, nhất là trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay”, ông Phong khẳng định.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp kiều bào về làm ăn, sinh sống, tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hợp tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu; tham gia nhiều công trình, dự án lớn của quốc gia và của TP.HCM.
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ngày càng nhiều hơn, bình quân mỗi năm tăng từ 8 - 10%, riêng năm 2015 ước đạt khoảng 5,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2014. Bên cạnh đó, cũng có nhiều kiều bào thường xuyên về TP.HCM tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện.
“Điều này cho thấy cộng đồng người VN ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn, quê hương, đất nước, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc VN. Lãnh đạo TP.HCM luôn trân trọng và ghi nhận những sự đóng góp quý báu, đầy nghĩa tình và tôi cũng mong rằng truyền thống tốt đẹp này tiếp tục phát huy, tiếp nối cho các thế hệ mai sau có những đóng góp tích cực hơn nữa, chung tay xây dựng quê hương, đất nước; xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Phải xem trí thức kiều bào như tài sản quốc gia
Phát biểu tại buổi họp mặt, TS Nguyễn Quốc Bình, Việt kiều Canada, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, cho rằng cần tăng cường mời gọi các chuyên gia giàu kinh nghiệm về nước làm việc; mạnh dạn giao trọng trách cho các chuyên gia về làm chủ các chương trình, dự án lớn mà không cần tính đến tuổi hưu như người VN; có nơi tiếp nhận và các chương trình cụ thể cho các chuyên gia đó và những người tiếp nhận chuyên gia phải có ý thức như tiếp nhận tài sản quốc gia…
Lãnh đạo TP.HCM tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể kiều bào có thành tích xuất sắc trong năm 2015Lãnh đạo TP.HCM tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể kiều bào có thành tích xuất sắc trong năm 2015
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong năm 2015 Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM đã phối hợp với các sở ngành tổ chức nhiều hội nghị để thông tin, phổ biến các chủ trương chính sách… đến với kiều bào; tổ chức đón tiếp chu đáo, tiếp xúc và làm việc trên 1.800 lượt kiều bào và thân nhân đến liên hệ để tìm hiểu chính sách đầu tư, kinh doanh, lao động, cư trú, nhà ở, thừa kế, quốc tịch, mang tài sản về nước khi được hồi hương...
“TP sẽ tạo điều kiện tốt nhất để trí thức kiều bào về nước hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn TP”, ông Phong khẳng định.
Kỳ vọng thế hệ lãnh đạo mới
Là một trong những người tới tham dự buổi gặp mặt sớm nhất, bà Lien Kim Jahn, Việt kiều Đức, cho biết bà qua Đức đã 26 năm, cùng chồng thường xuyên đi làm từ thiện, công tác xã hội... Khi 3 người con thành đạt nơi xứ người, vợ chồng bà về VN sinh sống từ năm 2006 đến nay.
Dù đã nhiều lần tham dự chương trình Xuân quê hương do Bộ Ngoại giao tổ chức mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc, nhưng bà Lien Kim Jahn vẫn bồi hồi, xúc động.
“Năm nay tôi đón tết cổ truyền khi mà Đại hội Đảng XII đã diễn ra thành công. Tôi cảm thấy rất vui và mong muốn thế hệ lãnh đạo mới sẽ đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, văn minh hơn. Tôi tin rằng bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới cũng rất tin tưởng vào sự đổi mới, thắng lợi mới, thành công mới trên quê hương. Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội với sự gắn bó, tình yêu thương cao nhất, và trong khả năng có thể luôn nỗ lực góp sức cùng đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, tiến kịp với bạn bè quốc tế”, bà Lien Kim Jahn nói.
Đau đáu về biển đảo quê hương
Ông Quách Hưng Tùng qua Mỹ năm 1979. Đến đầu 1991, ông Tùng về lại quê hương đầu tư sản xuất thực phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu cho kiều bào khắp nơi trên thế giới. Hiện nhà máy của ông đặt ở H.Củ Chi (TP.HCM), tạo việc làm cho hơn 200 lao động.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tùng cứ đau đáu về vấn đề Biển Đông bởi trong thời gian vừa qua, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền VN với nhiều hành động phi pháp. “Bất kỳ công dân VN nào ở trong nước hay ở nước ngoài đều rất bức xúc và mong muốn làm sao có được biện pháp hữu hiệu nhất để giữ vững chủ quyền đất nước. Mỗi người con nước Việt đều phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc mình. Đó là một điều hiển nhiên”, ông Tùng quả quyết.
Theo gia đình sang Mỹ từ năm 13 tuổi, TS Nguyễn Đình Uyên từng làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Năm 2008, ông khiến bạn bè ngạc nhiên khi quyết định về VN dạy học. Là giảng viên Khoa Điện tử viễn thông ở Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông Uyên rất quan tâm đến vấn đề biển đảo.
Năm 2015, ông là một trong số những kiều bào được Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM mời đi Trường Sa. Khi ra các điểm đảo, nhà giàn DK, thấy bộ đội quá thiếu thốn nước sinh hoạt, về đất liền ông và các đồng nghiệp đã sáng chế máy lọc nước đã qua sử dụng thành nước sạch.
“Đi Trường Sa, thấy thương người lính sống vất vả, thiếu thốn đủ thứ, nhất là nước sinh hoạt. Máy mà chúng tôi làm sẽ lọc nước qua sử dụng thành nước sạch để bộ đội sử dụng lại. Hiện đề tài đang được Sở KH-CN TP.HCM thẩm định. Nếu được duyệt và cấp kinh phí, trong vài tháng nữa chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 20 máy, trước mắt cung cấp đủ cho 19 nhà giàn. Ra Trường Sa mới thấy biển VN rất đẹp và giàu có, chúng ta phải giữ bằng chính sức lực của mình”, ông Uyên hồ hởi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.