Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý công trình, dự án tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả trên địa bàn.
Theo kế hoạch này, TP.HCM rà soát thực tế công trình, dự án tồn đọng theo 5 nhóm.
Nhóm 1: Các dự án đầu tư theo quy định của luật Đầu tư, luật Đầu tư công và luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Nhóm 2: Các tài sản công bao gồm trụ sở, công sở của cơ quan, đơn vị hoặc tài sản công khác theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nhóm 3: Các tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TP.HCM hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của doanh nghiệp Nhà nước; các dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, có sử dụng tài sản công để góp vốn, hết thời hạn hoạt động, gia hạn thời hạn hoạt động.
Nhóm 4: Các dự án đã hoặc đang liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
Nhóm 5: Các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng... chưa được đưa vào sử dụng.
Quy trình 5 bước xử lý dự án tồn đọng
Để thực hiện kế hoạch này, UBND TP.HCM xây dựng quy trình 5 bước và phân công trách nhiệm cụ thể của từng sở ngành.
Bước 1: Tổ chức rà soát công trình, dự án tồn đọng.
Đối với nhóm 1, các sở, ngành, địa phương và ban quản lý rà soát danh mục công trình, dự án do Sở KH-ĐT đã lập để đề xuất điều chỉnh, bổ sung; đồng thời đề xuất kế hoạch xử lý vướng mắc.
Sở Tài chính chủ trì rà soát, đề xuất danh mục các công trình, dự án tồn đọng thuộc nhóm 2 và nhóm 3 kèm theo nội dung khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý.
Với nhóm 3 và nhóm 5, Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Thanh tra TP.HCM rà soát, tổng hợp các công trình, dự án đã hoặc đang liên quan tới việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, tổng hợp danh sách các khu đất chưa sử dụng và đề xuất danh sách các khu đất chưa được đưa vào sử dụng kèm theo nội dung khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án xử lý.
Nhằm đảm bảo công tác rà soát được đầy đủ và toàn diện, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng rà soát các công trình nhà ở (gồm nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và các nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khác). Sở QH-KT rà soát các khu đất, khu đô thị do gặp vướng mắc về công tác lập, điều chỉnh, thực hiện các đồ án quy hoạch nên chưa thể thực hiện các thủ tục đầu tư và đưa đất vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) rà soát, cung cấp thông tin về các tài sản thuộc diện phải sắp xếp, xử lý theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và đề xuất kế hoạch, giải pháp xử lý vướng mắc.
Bước 2: Phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc. Cơ quan đầu mối tổng hợp là Sở KH-ĐT, thực hiện từ ngày 20.11 - 25.11.
UBND TP.HCM yêu cầu phải có danh sách ngắn (khoảng 10 - 20 công trình/dự án mỗi loại) các dự án thuộc 3 nhóm (đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư PPP) đang được dư luận quan tâm và có khả năng xử lý dứt điểm trong năm 2024 để thúc đẩy xử lý ngay trong năm nay.
Bước 3: Xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng, thực hiện trong tháng 12.2024.
Theo đó, với công trình, dự án tồn đọng cần xin ý kiến các cơ quan trung ương thì cơ quan đầu mối phối hợp chặt chẽ để được hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Bước 4: Thực hiện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng. Ở bước này, UBND TP.HCM nêu rõ kết quả thực hiện là các công trình, dự án được triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc chấm dứt thực hiện hoặc được xử lý theo hình thức cụ thể khác.
Bước 5: Tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả xử lý giải quyết vướng mắc, thực hiện trong tháng 12.2025.
Thưởng phạt nghiêm minh
UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Thanh tra TP.HCM, Sở KH-ĐT và các sở ngành liên quan nghiên cứu chuyên đề về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định pháp luật là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, gây lãng phí.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP.HCM tham mưu Chủ tịch UBND TP.HCM hướng dẫn triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổ chức khen thưởng biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài.
"Kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực", văn bản nêu rõ.
Bình luận (0)