TP.HCM: Số ca mắc tay chân miệng tăng 20% so với 4 tuần trước

Lê Cầm
Lê Cầm
03/05/2024 11:08 GMT+7

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) số ca mắc tay chân miệng trong tuần qua tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Số ca mắc tay chân miệng tăng

Cụ thể, trong tuần 17 (tính từ 22.4.2024 đến ngày 28.4.2024), TP.HCM ghi nhận 309 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 17 là 2.974 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, quận 6 và huyện Bình Chánh.

Trong tuần 17, TP.HCM cũng ghi nhận 131 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 17 là 2.854 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP.Thủ Đức.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca khám ngoại trú trong nửa đầu tháng 4 tăng gấp đôi so với tháng 3. Từ ngày 1-14.4, bệnh viện tiếp nhận 329 trường hợp thăm khám tay chân miệng. Tương tự, số bệnh nhân nhập viện nội trú tay chân miệng cũng tăng so với tháng 3.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Lưu (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết trong một năm, bệnh tay chân miệng thường có 2 đỉnh dịch. Đỉnh dịch thứ nhất thường từ tháng 4-5 hằng năm - giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mưa, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây lan qua đường tiêu hóa bao gồm tay chân miệng. Đỉnh dịch thứ hai bắt đầu từ tháng 9-10 khi trẻ bắt đầu quay trở lại trường học.

Trẻ khám tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Trẻ khám tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2

LÊ CẦM

Chủ động phòng bệnh tay chân miệng

Theo HCDC, bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học. Khoảng trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh có thể tự khỏi. Một số ít mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tiêm gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.

Do đó, khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế. Các dấu hiệu chuyển nặng là trẻ dễ bị giật mình chới với khi ngủ, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, da nổi bông tím hoặc trẻ yếu tay, yếu chân; trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị (trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ, dùng thuốc hạ sốt cũng không hạ)...

Để phòng bệnh, HCDC khuyến cáo người dân cho trẻ ăn chín uống sôi, vật dụng chế biến thức ăn phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi), đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc mút tay, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc bát đĩa... Thường xuyên lau sạch các bề mặt sử dụng hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các dụng cụ tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Không cho trẻ gặm mút đồ chơi, không cho trẻ chơi chung đồ chơi chưa tiệt trùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.