Theo Sở Y tế TP.HCM, để công tác tổ chức tiêm vắc xin được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ, Sở Y tế đề nghị các đơn vị phân chia địa điểm tiêm cho từng đối tượng một cách hợp lý.
Người mắc các bệnh như: thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người có tình trạng béo phì, người trên 65 tuổi sẽ tiêm ở bệnh viện. Những đối tượng còn lại sẽ tiêm ở cộng đồng.
Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế và Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện cần tổng hợp và gửi danh sách người trên 65 tuổi, người mắc các bệnh lý như trên (có hộ khẩu trên địa bàn) đến bệnh viện được phân công tiêm.
Các đơn vị phải thông báo và điều phối người tiêm đến các điểm tiêm, chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng tiêm, đảm bảo không tập trung đông người và tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố chuẩn bị phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng để cung cấp cho các đội tiêm.
Trung tâm Y tế phải đảm bảo vận chuyển vắc xin, bơm kim tiêm đến các điểm tiêm trước 7 giờ 30 phút hằng ngày và cử người thường trực tại các điểm tiêm để bổ sung vắc xin và bơm kim tiêm kịp thời.
Đối với các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện được phân công thay thế phải cập nhật ngay phần mềm để biết và chủ động điều phối người đến tiêm trong ngày.
Trước mắt trong những ngày đầu, bố trí một đội tiêm để tổ chức tiêm an toàn, theo dõi kỹ và xử lý các tình huống tai biến nếu có. Báo cáo ngay kết quả xử lý tai biến sau tiêm hằng ngày cho Trung tâm Cấp cứu 115 để tổng hợp. Các đội tiêm còn lại của bệnh viện thì triển khai tiêm chủng ở cộng đồng theo kế hoạch của UBND quận, huyện. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và bảo quản vắc xin do Trung tâm Y tế chuyển đúng quy định.
Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện được phân công đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm phải bố trí xe cấp cứu (gồm 1 tài xế, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng) với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ sở quy định đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất theo sự điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115 (nếu cần). Đặc biệt, xe cấp cứu phải luôn sẵn sàng và trực tại các địa điểm tiêm.
Lưu ý đối với cơ sở tiêm chủng
Các cơ sở tiêm chủng phải liên hệ Phòng Y tế, Trung tâm Y tế địa phương để biết địa điểm tiêm, tổ chức tiêm chủng đúng quy trình, an toàn, hiệu quả nhằm đảm bảo tiến độ chung mà Sở Y tế đã đề ra. Chủ động liên hệ Phòng Y tế để bố trí số đội tiêm phù hợp lượng người đến tiêm hằng ngày.
Cử các đội tiêm theo đúng quy định (mỗi đội gồm 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 11 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chánh). Tất cả nhân sự chuyên môn phải được tập huấn về an toàn tiêm chủng. Các đội tiêm khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ phương tiện phòng hộ (áo choàng, khẩu trang N95, kính/mạng che mặt...).
Mỗi đội tiêm phải có mặt tại điểm tiêm đúng thời gian quy định (sáng 7 giờ 30 phút, chiều 13 giờ), trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ, dụng cụ tiêm, vật tư tiêu hao, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu cần thiết để xử trí cấp cứu.
Các cơ sở tiêm chủng phải sắp xếp, bố trí điểm tiêm đúng quy trình 1 chiều và tuân thủ các biện pháp 5K khi tổ chức tiêm chủng, tránh tập trung đông người hoặc ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh. Đảm bảo các trang thiết bị cấp cứu để sẵn sàng xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm (nếu có).
Tất cả các trường hợp do đơn vị phụ trách tiêm sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay tại buổi tiêm.
Bình luận (0)