TP.HCM tăng tốc hành động cho tăng trưởng

TS Trương Minh Huy Vũ
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
15/08/2024 04:12 GMT+7

Ngày 12.8 vừa qua, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025.

Với tình hình 7 tháng năm 2024 ghi nhận dấu hiệu phục hồi kinh tế tích cực, chỉ số lưu thông hàng hóa, sản xuất công nghiệp phát triển ổn định. Trước đó, 6 tháng đầu năm, chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cũng tăng 6,46%, cao hơn mức tăng chung của cả nước (6,42%) và là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Vì vậy, động thái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng 7 nhóm giải pháp đi kèm 6 mục tiêu cụ thể, tương ứng đã cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ đi cùng kế hoạch hành động cụ thể, có tính khả thi cao, cam kết chặt chẽ để "về đích" với 7,5% tăng trưởng GRDP, tạo đà cho con số 8 - 8,5% trong năm 2025.

Trong đó, đơn cử như nhóm giải pháp đầu tiên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn vừa xác định theo đuổi nhiệm vụ hoàn thành tỷ lệ không dưới 90% giải ngân đầu tư công là một trong 3 trụ cột chính của tăng trưởng; vừa tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế. Và ở vế thứ hai này, lại đi cùng và tác động đến nhóm giải pháp thứ 5 là tháo gỡ vướng mắc, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính. Đây cũng là mục tiêu thứ ba khi thành phố phấn đấu đạt trong nhóm top 10 chỉ số PCI, Par - Index cuối năm 2025.

Đặt trong bối cảnh thành phố vừa tròn 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 về phát triển TP.HCM theo cơ chế đặc thù, bên cạnh những thành quả rất đáng ghi nhận là số lượng lớn văn bản pháp chế hướng dẫn, áp dụng đã hình thành, một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, dịch vụ thiết yếu xã hội đã "chạy" bằng cơ chế mới, song vẫn còn nhiều "rào chắn" tạo lực cản khiến lãnh đạo thành phố chưa thật sự an tâm, bằng lòng.

Mới đây, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn nêu 2 hạn chế là tinh thần phân cấp, ủy quyền vẫn chưa mạnh mẽ cũng như chưa phát huy hiệu quả cơ chế Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban, dẫn tới "chúng ta cứ luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn cho số cơ quan, số bộ ngành".

Rõ ràng, thành phố muốn được T.Ư hỗ trợ và tạo động lực để "bứt tốc" nhanh hơn nữa. Trong đó đặc biệt các vướng mắc cũ phải được tháo, các tồn đọng kéo dài phải được dọn dẹp sớm, sắp xếp cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới; đồng thời thành phố cũng cần mạnh mẽ vận dụng và tận dụng biên độ mở của các nội dung thí điểm để tạo bước đi đột phá, đem lại thành quả kinh tế - xã hội to lớn, thiết thực. Đúng với tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát triển kinh tế.

Trong phiên họp 26 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm qua (14.8), người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo: "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội", bởi mục tiêu cao nhất, cuối cùng của Đảng chính là vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.