|
Đó là các nội dung trong Nghị quyết về Đề án hỗ trợ ngành học mầm non của HĐND TP.HCM được thông qua ngày 14.6. Nhiều đại biểu cho rằng, tới đây trẻ mầm non sẽ được chăm sóc một cách chu đáo hơn.
Xây thêm trường mầm non
Cụ thể, sẽ tăng tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đối với cấp học mẫu giáo: trường công lập 60%, trường ngoài công lập 35%, 5% nhóm lớp. Đối với cấp nhà trẻ, có 40% trường công lập, 50% trường ngoài công lập và 10% nhóm lớp. Thống nhất lộ trình tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi (ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo), phấn đấu đến năm học 2016 - 2017 sẽ triển khai đại trà tại 24 quận, huyện.
Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện tăng thêm trong năm 2014 đối với chi thường xuyên là 229,915 tỉ đồng do ngân sách TP hằng năm cho sự nghiệp GD-ĐT. Trong đó: - Kinh phí do tăng định mức học sinh do bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng là 90 tỉ đồng. - Kinh phí hỗ trợ, thu hút cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 139,915 tỉ đồng. Chi đầu tư phát triển tổng mức đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương của TP là 5.450 tỉ đồng. Trong đó: - Kinh phí mua sắm cơ sở vật chất mầm non 5 tuổi đã có chủ trương là 72 tỉ đồng. - Kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp 5.378 tỉ đồng. |
Nghị quyết cũng đặt ra chủ trương: ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới các trường mầm non công lập. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và 11 phường chưa có trường mầm non.
Sẽ hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. 35% tiền lương cho cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 -18 tháng tuổi.
Mức hỗ trợ cụ thể đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới: Năm học 2014 - 2015 hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng, năm học 2015 - 2016 là 70% và năm học 2016 - 2017 là 50%. Ngoài ra, giáo viên dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập cộng đồng cũng nhận được mức hỗ trợ 200.000 đồng/trẻ/tháng…
Ngoài ra, HĐND TP cũng thống nhất chức danh nhân viên nuôi dưỡng: 1 lớp có 1 nhân viên với nhiệm vụ: hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường và đồ dùng, đồ chơi cho các cháu.
Nhiều đại biểu tại kỳ họp này cũng cho rằng: Việc kêu gọi các nhà đầu tư, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập là một cách làm nhằm xã hội hóa giáo dục đáp ứng với nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Theo đó, mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư mới xây dựng trường mầm non theo mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay từ 7 - 10 năm hoặc tối đa là 15 năm. Ngoài ra, UBND các quận, huyện sẽ hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương để các tổ chức hoặc cá nhân vay (không tính lãi suất) nhằm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho các nhóm trẻ (gia đình) đảm bảo đủ điều kiện cấp phép hoạt động.
Đào tạo giáo viên nuôi dạy trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Ngành giáo dục mầm non còn nhiều khó khăn, hạn chế, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ tư hoạt động không phép, đã xảy ra tình trạng người giữ trẻ có hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ gây bức xúc trong dư luận xã hội”. Theo ông Thuận, nghị quyết ra đời sẽ giải quyết rất nhiều bức xúc của người dân. Ví dụ như việc nuôi dạy trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, giúp cho phụ huynh là những công nhân, công chức, viên chức không có điều kiện để chăm sóc trẻ ở nhà yên tâm làm việc.
Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết: “Tôi chưa thấy nước nào giữ trẻ 6 tháng tuổi. Chúng ta làm được, đây là điều rất nhân văn”. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự lo ngại liệu có đủ đội ngũ giáo viên, nhân viên đạt chuẩn để đáp ứng việc nuôi dạy trẻ 6 - 18 tháng tuổi.
Nghị quyết cũng giải tỏa sự lo lắng chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện chưa chú trọng các kỹ năng chăm sóc trẻ trong độ tuổi 6 - 18 tháng. Đồng thời các trường mầm non cũng hạn chế nhận trẻ ở độ tuổi này nên sinh viên không có chỗ kiến tập, thực tập. Theo đó, sẽ giao cho Trường ĐH Sài Gòn và một số trường khác nhanh chóng xây dựng khung chương trình để đào tạo giáo viên đảm bảo cho việc nuôi dạy trẻ nói trên.
Ý kiến: * Đời sống cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục mầm non phần nào được cải thiện. Trường tôi có 28 nhân sự (mới thành lập và đi vào hoạt động được 1 năm), nghe thông tin này hẳn ai cũng vui mừng lắm. (Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa * Được chăm lo như vậy là tốt quá. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ này, giáo viên sẽ gắn bó với nghề. (Bà Lê Thị Hòa * Tôi làm giáo viên mầm non nay đã 20 năm, lương và tổng các khoản phụ cấp hiện 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu không yêu nghề thì khó có ai trụ nổi. (Một giáo viên trường mầm non tại Q.5) * Với sự hỗ trợ này, tôi tin là giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý hơn cho công việc của mình. Từ đó, giáo viên sẽ không nhảy việc để tìm cách mưu sinh nữa, nhân sự trường học cũng ổn định, chất lượng giảng dạy sẽ phát triển. Q.5 có 21 trường mầm non công lập với khoảng hơn 1.000 giáo viên. Mấy năm trước, giáo viên bỏ nghề khoảng 14 - 15 người/năm. Hy vọng từ nay sẽ không còn trường hợp tương tự. (Bà Võ Ngọc Thu * Tôi có con 8 tháng tuổi, hiện giờ phải gửi dưới quê cho mẹ chồng chăm sóc. Vì cuộc mưu sinh nên đành phải xa con, buồn lắm. Nếu sau này có trường nhận giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi, chắc chắn phụ huynh và nhất là công nhân như tụi tôi sẽ vui mừng lắm. (Nguyễn Thị Ngọc Phương * Vợ chồng tôi đều là công nhân. Từ khi có con (nay 10 tháng), vợ tôi phải tạm nghỉ việc trông coi. Tôi hy vọng sau này có nhiều thật nhiều trường mầm non để công nhân tụi tui đỡ vất vả. (Nguyễn Thành Chương |
Minh Luân
Bình luận (0)