TP.HCM: Theo dõi 'sức khỏe tài chính' bệnh viện

Duy Tính
Duy Tính
12/08/2023 10:21 GMT+7

Trước tình hình bệnh viện bị thâm hụt tài chính do mất cân đối giữa thu và chi nhưng chưa được phát hiện kịp thời, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra giải pháp theo dõi "sức khỏe tài chính" bệnh viện để phòng chống vỡ nợ.

Ngày 12.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phối hợp Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) triển khai xây dựng công cụ "hệ thống chỉ số cảnh báo sớm và các báo cáo quản trị tài chính nội bộ cho giám đốc và trưởng phòng tài chính bệnh viện".

Công cụ này giúp các giám đốc kịp thời phát hiện tình huống và có giải pháp phù hợp khi xuất hiện các cảnh báo "đỏ". Công cụ sẽ được thử nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Mắt, sau đó sẽ được nhân rộng.

Bệnh viện mất cân đối tài chính nhưng không biết

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức các bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên đề quản lý tài chính bệnh viện dành cho các giám đốc bệnh viện công lập.

Nhưng theo đánh giá của Sở Y tế, bên cạnh những chuyển biến tích cực khi thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập, điều đáng lo ngại khi một số bệnh viện đã gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý tài chính bệnh viện.

Cụ thể như hoạt động giám sát, đánh giá nguồn thu, chi tài chính nhằm hỗ trợ giám đốc các bệnh viện ra quyết định liên quan tài chính còn có sự khác biệt giữa các bệnh viện với nhau, thậm chí bị thâm hụt tài chính do mất cân đối giữa thu và chi nhưng chưa được bệnh viện phát hiện kịp thời…

Bên cạnh đó, hàng loạt thách thức đặt ra với giám đốc bệnh viện. Làm thế nào để quản lý dòng tiền hiệu quả, làm thế nào nhận được cảnh báo sớm các công nợ phải và sẽ trả, lương và tạm ứng nhân viên? Làm thế nào để phát triển kỹ thuật chuyên sâu đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế trong đầu tư y tế? Làm thế nào nâng cao đời sống nhân viên y tế trong tình hình mới?

Như vậy, công cụ "hệ thống chỉ số cảnh báo sớm và các báo cáo quản trị tài chính nội bộ cho giám đốc và trưởng phòng tài chính bệnh viện" sẽ là công cụ đắc lực, giúp giải quyết các vấn đề trên.

Theo dõi "sức khỏe tài chính" của bệnh viện ra sao ?

Theo Sở Y tế TP.HCM, công cụ được xây dựng với 6 mục tiêu:

  1. Thông tin đầy đủ và chính xác về hoạt động tài chính của bệnh viện. Hỗ trợ giám đốc trong việc cập nhật nhanh chóng tình hình hoạt động.
  2. Theo dõi, đánh giá tình hình "sức khỏe" tài chính của bệnh viện một cách rõ ràng và dễ hiểu. Hỗ trợ giám đốc bệnh viện trong việc đánh giá chính xác hiệu quả và năng suất của toàn bệnh viện và từng khoa, phòng.
  3. Báo cáo trực quan và tạo các cảnh báo sớm về hoạt động của bệnh viện được trình bày dưới dạng bảng biểu và tạo ra các cảnh báo cụ thể (xanh, vàng, đỏ tương ứng với mức độ nguy cơ bình thường, có nguy cơ, nguy hiểm) đối với từng chỉ tiêu. Hỗ trợ giám đốc bệnh viện dễ dàng nhận diện những vấn đề cần lưu ý trong hoạt động của bệnh viện và đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo sự ổn định và phát triển của bệnh viện.
  4. Báo cáo đa chiều, đa dạng về nhóm chỉ tiêu: quy mô (bệnh nhân, lượt khám), doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt), đo lường hiệu suất, kiểm soát công nợ, dòng tiền. Thời gian, chu kỳ báo cáo: theo ngày, tháng, quý, năm. Phạm vi dữ liệu: toàn bệnh viện và từng khoa, phòng, từng hoạt động của bệnh viện. Đối tượng sử dụng báo cáo: giám đốc, trưởng (phó phòng) và cán bộ nghiệp vụ phòng tài chính kế toán, ban lãnh đạo và quản lý của từng khoa, phòng cụ thể.
  5. Các dữ liệu tài chính của hệ thống được mã hóa và số hóa tối đa nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý và độ chính xác dữ liệu đồng thời dữ liệu tài chính được mã hóa đảm bảo tính bảo mật và an toàn.
  6. Giám sát, phân bổ chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ công tác quản lý và ra quyết định về việc sử dụng nguồn lực cũng như phân bổ thu nhập, chi phí phù hợp giữa các bộ phận đảm bảo cân đối thu - chi trong hoạt động tài chính.
 Theo dõi 'sức khỏe' bệnh viện, chống vỡ nợ - Ảnh 1.

Minh họa cảnh báo về doanh thu của một bệnh viện, đã xuất hiện những cảnh báo “đỏ” giúp cho giám đốc bệnh viện phải quan tâm và tìm giải pháp khắc phục

SỞ Y TẾ TP.HCM

Bên cạnh đó, hệ thống còn xây dựng 7 nhóm chỉ số với 58 chỉ số bao trùm các vấn đề chính trong công tác quản trị tài chính của một bệnh viện. Bao gồm: bộ chỉ tiêu quản trị khách hàng (6 chỉ tiêu), bộ chỉ tiêu quản trị doanh thu (7 chỉ tiêu), bộ chỉ tiêu quản trị chi phí (8 chỉ tiêu), bộ chỉ tiêu quản trị hiệu quả (16 chỉ tiêu), bộ chỉ tiêu quản trị thanh khoản, dòng tiền (5 chỉ tiêu), bộ chỉ tiêu quản trị công nợ, tài sản (9 chỉ tiêu), bộ chỉ tiêu quản trị rủi ro, tổn thất, lãng phí (7 chỉ tiêu).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.