TP.HCM thi hành án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát thế nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
12/12/2024 18:12 GMT+7

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã chủ động phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để chuẩn bị mọi phương án nhằm tổ chức thi hành án vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát đạt hiệu quả tốt nhất.

Các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc thi hành án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Ngày 12.12, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự và theo dõi thi hành án hành chính. Để chuẩn bị thi hành án đối với vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM phối hợp TAND TP.HCM, Bộ Công an về cập nhật thông tin của các đương sự để thuận lợi trong quá trình tổ chức thi hành án sau này như thông báo thi hành án…

Theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cần có cơ chế đặc thù riêng đối với vụ án có số lượng đương sự quá đông như vụ án địa ốc Alibaba, vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, để giải quyết vụ án được nhanh chóng, cơ quan thi hành án còn đề nghị được quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu về đất đai, thuế để xác minh thông tin.

TP.HCM thi hành án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát thế nào?- Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cơ quan này đã chủ động chuẩn bị các phương án tổ chức vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát với số tài sản phải thi hành khoảng 1.334 bất động sản, trong đó tại TP.HCM có 1.084 bất động sản và nhiều cổ phần, cổ phiếu… Số lượng người bị hại giai đoạn 2 khoảng hơn 43.000 người. Trong khi đó, việc tổ chức thi hành án theo quy định hiện hành thì việc thông báo về thi hành án, thủ tục chi tiền, đảm bảo an ninh trật tự sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do đó, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề nghị bố trí nguồn nhân lực phù hợp, giải quyết các khó khăn vướng mắc mà cơ quan này đã đề xuất để tổ chức thi hành vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao nhất.

TP.HCM thi hành án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát thế nào?- Ảnh 2.

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết cơ quan này đã có những phương án chuẩn bị để đảm bảo an toàn trong cưỡng chế thi hành án. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp, ông Nam đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nghiên cứu để tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Đức Thái, cho biết đã thành lập tổ để phối hợp hỗ trợ thi hành án trong vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, vì đây là vụ án lớn, chưa từng có tiền lệ. 

Theo ông Thái, nếu có việc gì mà chưa làm tốt, gặp khó khăn vướng mắc thì hai cơ quan chủ động phối hợp để hoàn thành tốt công việc.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, với vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã chủ động chuẩn bị các phương án nhưng vẫn còn việc chưa thể lường trước được. 

Cũng theo ông Hòa, sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bán đấu giá tài sản. Đặc biệt sẽ phối hợp với trung tâm công nghệ thông tin của TP.HCM  để ứng dụng cho công tác thi hành án đạt hiệu quả cao.

TP.HCM thi hành án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát thế nào?- Ảnh 3.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chuẩn bị thi hành án vụ án Vạn Thịnh Phát, đã có những điểm nhấn rất quan trọng

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin, số vụ việc ngày càng phức tạp nhưng kết quả thi hành án năm sau luôn cao hơn năm trước. Số việc phải thi hành án của TP.HCM bằng 1/10 cả nước. Một Chi cục Thi hành án dân sự của TP.HCM có số vụ việc cao hơn rất nhiều của các tỉnh.

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM có các bước chuẩn bị thi hành án cho vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát đã có những điểm nhấn rất quan trọng. TP.HCM cũng đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, sở ban ngành ở địa phương và Trung ương trong khâu tổ chức thi hành án.

Ông Khôi thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết số 18 về tinh gọn bộ máy, sắp tới sẽ không còn Tổng cục Thi hành án dân sự mà là Cục Thi hành án dân sự. Riêng cơ quan thi hành án ở địa phương sẽ không thay đổi nhiều. Như vậy, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ không còn là cơ quan chỉ đạo nghiệp vụ.

Nói về biên chế, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh: "Không có chuyện tăng biên chế, chỉ có giảm. Cho nên đòi hỏi chấp hành viên phải làm việc hiệu quả như năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc".

Cần có kinh phí cho tổ chức thi hành án hành chính

Theo báo cáo, ở TP.HCM, về việc có tổng số phải thi hành hơn 113.600 việc, số thi hành xong hơn 58.000 việc. Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 156.300 tỉ đồng, số thi hành xong hơn 34.800 tỉ đồng.

Cục Thi hành án dân sự TP.HCM là đơn vị đứng đầu cả nước về số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo. Số tiền phải thi hành án hơn 72.160 tỉ đồng/105.000 tỉ đồng (chiếm hơn 68% số phải thi hành của toàn quốc). Kết quả thu hồi đạt 9.600 tỉ đồng/22.177 tỉ đồng (chiếm hơn 43% số thi hành xong của toàn quốc).

Về công tác thi hành án hành chính, tổng số bản án có nội dung theo dõi thi hành án hành chính mà Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhận, tính từ tháng 10.2023 - 9.2024 là 268 bản án, quyết định. Số từ năm trước chuyển sang 152 bản án, quyết định, số phát sinh trong kỳ báo cáo là 111 bản án, quyết định. Trong đó mới chỉ thi hành xong 88 bản án, quyết định, số chưa thi hành xong là 175.

TP.HCM thi hành án vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát thế nào?- Ảnh 4.

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đề xuất phải có nguồn kinh phí của địa phương cho việc thi hành quyết định bản án hành chính

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng tại địa bàn TP.HCM án hành chính tồn rất nhiều, có những vụ án còn tồn từ 2017 đến nay.

"Bản án tuyên đã có hiệu lực rồi mà cơ quan nhà nước không thi hành thì làm sao? Người dân không thi hành thì bị cưỡng chế, bị xử lý hành chính. Còn cơ quan nhà nước không thi hành thì xử lý sao. Đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sắp tới phải có tính toán", Thứ trưởng Mai Lương Khôi nói.

Theo ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, về thi hành án hành chính còn nhiều bất cập như cơ chế đốc thúc, cơ quan thi hành án chỉ theo dõi, do đó cơ quan thi hành án xem xét kiến nghị sửa đổi Nghị định 71 cho phù hợp. 

Ông Phong đề xuất phải có nguồn kinh phí của địa phương cho việc thi hành quyết định bản án hành chính. "Không phải cơ quan hành chính không làm mà do số tiền bồi thường rất ít. Việc kiến nghị cấp trên xem xét xử lý việc chậm trễ thi hành án cũng còn hạn chế", ông Phong nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.