TP.HCM thống nhất phương án bảo tồn Thương xá Tax

26/12/2014 21:03 GMT+7

(TNO) UBND thành phố đã thống nhất phương án bảo tồn Thương xá Tax theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM.

(TNO) Chiều 26.12, tại buổi họp báo thường kỳ cuối năm 2014, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM cho biết UBND thành phố đã thống nhất phương án bảo tồn Thương xá Tax theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM.

TP.HCM thống nhất phương án bảo tồn Thương xá TaxThương xá Tax tọa lạc ngay góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu
UBND thành phố nhìn nhận giá trị của Thương xá Tax không đơn thuần là giá trị công trình mà chính là địa điểm tích tụ và di truyền ký ức lịch sử văn hóa đời sống đô thị cho bao thế hệ dân cư đô thị nối tiếp nhau cho đến tận bây giờ. Những lần thay đổi diện mạo, chức năng đều gắn liền với từng giai đoạn đổi mới đô thị, gắn liền với sinh hoạt của người dân tại khu vực.
Phần vật thể có giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, lịch sử còn lại là phần sảnh chính thông tầng, cầu thang từ tầng trệt lên lầu một còn giữ lại một số các chi tiết trang trí nguyên bản như lan can cầu thang, tay vịn, gạch mosaic thể hiện được kỹ thuật thi công, vật liệu có từ thời kỳ đầu.
Theo ông Luận, nội dung về hạng mục, giải pháp bảo tồn Thương xá Tax mà UBND thành phố thống nhất để nhà đầu tư đưa vào nghiên cứu ngay trong quá trình lập phương án thiết kế, cụ thể đề xuất như sau:
Về các hạng mục cần bảo tồn: Phần bên trong công trình có không gian sảnh chính (không gian thông tầng, ít nhất hai tầng), cầu thang chính đi từ tầng trệt lên lầu một, các phần trang trí lót gạch mosaic trong không gian sảnh và cầu thang, các chi tiết trang trí, tay vịn, lan can...
Phần bên ngoài bảo tồn mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ (nhất là góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ).
Ngoài các hạng mục trên, nhà đầu tư có thể chủ động đề xuất các hạng mục khác nhằm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ, kiến trúc cho công trình.
Về giải pháp bảo tồn, đề xuất theo hướng giữ lại các hạng mục cần bảo tồn và tích hợp vào công trình mới tại vị trí phù hợp. Phục chế, bổ sung, các chi tiết bị hỏng, thiếu ở phần bên trong công trình.
Liên quan đến tòa nhà hơn 120 năm tuổi hiện là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM (59 - 61 Lý Tự Trọng, quận 1) liệu có bị tháo dỡ khi xây dựng mới trung tâm hành chính thành phố (Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Pasteur), ông Luận cho biết đây là công trình quan trọng của thành phố, được chuẩn bị đầu tư từ gần 10 năm trước. Thành phố đang tổ chức thi tuyển thiết kế và các bước triển khai rất là chặt. Khối nhà 86 Lê Thánh Tôn sẽ được bảo tồn nghiêm ngặt. Riêng liệu có tháo dỡ tòa nhà là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông hay không thì thành phố đang xem xét, tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu về giá trị lịch sử... Do đó, hiện nay chưa thể kết luận được “số phận” của tòa nhà là giữ nguyên hay tháo dỡ.
Đã thu hồi dứt điểm nhà đất liên quan đến ông Trần Văn Truyền
Ông Võ Văn Luận cho biết sau khi có văn bản thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về chuyện nhà đất liên quan đến nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, UBND thành phố đã khẩn trương thực hiện và đến nay đã thu hồi dứt điểm nhà đất số 105 đường Nguyễn Trọng Tuyển, P.15, Q.Phú Nhuận mà trước đó thành phố đã bán cho con gái ông Truyền. Ngôi nhà này hiện do Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý.
“Gia đình anh Truyền cũng tự giác trả nên bây giờ không còn trở ngại gì nữa”, ông Luận nói.
Về kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, sở ngành liên quan, theo ông Luận, UBND thành phố đang quyết liệt chỉ đạo. UBND thành phố cũng đã làm tường trình gửi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về lý do vì sao trước đây đã cho thuê rồi bán cho gia đình ông Truyền. Mức xử lý các cá nhân, sở ngành liên quan cụ thể như thế nào sẽ do Thường trực Thành ủy xem xét, quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.