Yêu cầu này được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu trong buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm của Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Lãnh đạo TP.HCM cảnh báo tình trạng doanh nghiệp "xí" đất rồi để đó cho cỏ mọc, trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn đầu tư nhưng thành phố lại thiếu quỹ đất. Ông yêu cầu xử lý nhanh dự án này để mời gọi doanh nghiệp của Áo đang có nhu cầu đầu tư vào thành phố.
"Dự án này phải giải quyết dứt điểm trong năm 2023, bao gồm tất cả các khâu, từ chấm dứt đầu tư đến khâu cuối cùng là thu hồi đất", ông Hoan nhấn mạnh.
Dự án Saigon Silicon City là 1 trong 4 dự án chậm triển khai bên trong Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao cho biết 3 dự án khác đã được thu hồi. Riêng dự án Saigon Silicon City phải báo cáo công tác về đầu tư theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ông Thi cho biết thêm, sẽ chủ trì mời Sở Tư pháp và Sở KH-ĐT làm việc để thống nhất hướng đề xuất Thường trực UBND TP.HCM cho chủ trương chấm dứt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.
Dự án Sài Gòn Silicon City khởi công tháng 8.2016 do Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại lô I-6 và I-7, tổng diện tích mặt bằng sử dụng khoảng 52 ha. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, đây là mô hình "thung lũng Silicon" cho các công ty ưu tiên về chất bán dẫn và các lĩnh vực vi mạch tích hợp.
Nơi đây được chia thành 33 vùng tương ứng với 33 công trình xây dựng với diện tích từ 0,5 - 1,5 ha, bao gồm các tòa nhà trung tâm quản lý, vận hành, nhà máy sản xuất công nghệ cao cho thuê, trung tâm dịch vụ tổng hợp, kho xuất nhập khẩu, trung tâm thể thao, triển lãm…
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết Khu Công nghệ cao luôn chào đón các doanh nghiệp và không phân biệt của tư nhân hay nhà nước, trong nước hay nước ngoài. Mọi doanh nghiệp vào Khu Công nghệ cao phải đáp ứng đúng tiêu chí và phù hợp quy hoạch.
Các doanh nghiệp cũ đã đầu tư nhiều năm cũng phải nâng cao công nghệ, hợp tác đầu tư nghiên cứu phát triển, mở rộng chuỗi liên kết chứ không phải "vô được rồi thì đứng yên hoài". Lãnh đạo TP.HCM cũng cảnh báo nguy cơ biến tướng nếu không quản lý kỹ công tác đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết đến nay có 162 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 111 dự án đang hoạt động, 49 dự án chưa hoạt động. Năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt 26 tỉ USD.
Bình luận (0)