TP.HCM tiếp tục sơ tán khẩn cấp người dân để tránh bão

06/11/2013 11:32 GMT+7

** Đã di dời gần 2.000 người dân

(TNO) Chiều nay (6.11), Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo khẩn cho toàn bộ học sinh tại TP.HCM nghỉ học để tránh bão số 13 có thể đổ bộ vào miền Nam.

50% áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 13

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online lúc 15 giờ 6.11, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Lê Thanh Hải cho biết, hiện áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hiện vẫn đang nằm trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu với gió mạnh cấp 6 - 7, giật 9 - 10, với tốc độ di chuyển khoảng 25 km/giờ.

Hiện tại áp thấp đang cách đất liền khoảng 150 km. Dự kiến đêm nay, ATNĐ sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền, và sẽ có khả năng mạnh lên thành bão.

Hiện tại, theo ông Hải khả năng mạnh lên thành bão (gọi là cơn bão số 13) của ATNĐ này là 50/50.

Cũng theo ông Hải, ATNĐ lần này sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Dự kiến lượng mưa sẽ đạt tới 200 - 300 mm.

Dự báo từ tối nay, các tỉnh trong khu vực nói trên bắt đầu có mưa to, đến rất to.

Phan Hậu

* Sáng 6.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm và lãnh đạo các sở ngành liên quan đã xuống huyện Cần Giờ họp với lãnh đạo huyện này để chỉ đạo công tác ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới có nguy cơ đổ bộ vào đất liền.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lê Thanh Liêm cho biết đến 9 giờ sáng 6.11, huyện Cần Giờ đã tổ chức sơ tán gần 2.000 người dân ở xã đảo Thạnh An vào trú ẩn an toàn ở thị trấn Cần Thạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng hết sức lưu ý việc khẩn trương bố trí lực lượng túc trực để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông,… hoàn thành trước khi bão đổ bộ.

Hiện tại, công tác di dời dân vẫn đang tiếp tục được triển khai để đề phòng sự mạnh lên thành bão của áp thấp nhiệt đới, cũng như đề phòng cơn bão Haiyan có thể đi vào TP.

Trước đó, chiều tối 5.11, UBND TP.HCM cũng đã họp khẩn và phát công điện yêu cầu các cơ quan chức năng và các quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với cơn bão tên có tên quốc tế Haiyan có thể ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM.

UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện… triển khai ngay các phương án sơ tán dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn thành phố. 

Riêng đối với H.Cần Giờ, thành phố yêu cầu phải sẵn sàng phương án ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn và tổ chức di dời dân đến nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, không cho phép các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn. (Đình Phú)

Tất cả học sinh TP.HCM được nghỉ học từ 16 giờ 6.11

Chiều nay (6.11), Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo khẩn cho toàn bộ học sinh tại TP.HCM nghỉ học để tránh bão số 13 có thể đổ bộ vào miền Nam.

 
Học sinh tại TP.HCM được nghỉ học ra về tránh bão từ 16 giờ chiều 6.11 - Ảnh: Nguyên Mi 

Sở GD-ĐT đề nghị tất cả các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP (từ trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyến, đến các cơ sở ngoại ngữ, tin học, văn hóa ngoài giờ…) tạm ngưng mọi hoạt động giảng dạy và học tập từ 16 giờ chiều 6.11.

Hoạt động giảng dạy, học tập sẽ được tổ chức trở lại khi có thông báo mới của Sở GD-ĐT.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị giáo dục thực hiện nghiêm túc thực hiện thông báo trên và phải mở máy điện thoại để liên lạc, thường xuyên cập nhật thông tin từ Sở GD-ĐT. (Nguyên Mi)

TP.HCM: Cấm tàu cánh ngầm, tàu du lịch xuất bến

Từ 9 giờ sáng nay 6.11, các phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng... trên địa bàn TP.HCM đã nhận được lệnh nghiêm cấm xuất bến cho đến khi có lệnh mới.


Tàu cánh ngầm được lệnh cấm xuất bến từ 9 giờ sáng nay 6.11 - Ảnh: M.Vọng

Trong thông báo khẩn sáng nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đề nghị người dân TP, đặc biệt là người dân sống ở các vùng ven biển như H.Cần Giờ, vùng ven sông và vùng trũng thấp như các H.Nhà Bè, Q.2, Q.7, Q.12, Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh… cùng ngư dân và bà con lao động hành nghề trên biển, trên sông tuyệt đối chấp hành lệnh sơ tán di dời, ngừng ra khơi, đi lại trên các phương tiện giao thông đường thủy, neo đậu tàu thuyền theo đúng kỹ thuật, không ở lại trên chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà ở đơn sơ, tạm bợ.

Thông báo cũng yêu cầu người dân hạn chế đi lại trên đường khi nhu cầu chưa thực sự cấp bách để tránh xảy ra tai nạn do cây xanh, trụ điện, biển quảng cáo ngã đổ; tạm thời hạn chế di chuyển đến vùng biển Cần Giờ trong thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 13. (Mai Vọng)

Dân Cần Giờ hối hả về nhà chống bão

Từ chiều 6.11, khá nhiều công nhân viên và công nhân làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất ở quận 7 (TP.HCM) có nhà tại huyện Cần Giờ hối hả về nhà chống bão. Phà Bình Khánh trong chiều 6.11 cũng hoạt động hết công suất đển chở người dân về nhà chống bão.


Đầu giờ chiều, người dân ở huyện Cần Giờ hối hả chạy về nhà để lo phòng chống bão - Ảnh: Đ.P-T.H

Anh Nguyễn Văn Thuận - công nhân ở một nhà máy may mặc trong khu chế xuất ở quận 7, có nhà ở xã Bình Khánh - cho hay trong chiều 6.11 những ai có nhà ở Cân Giờ đều được ban giám đốc cho nghỉ việc để về nhà phòng chống con bão số 13.

“Sáng đi làm ai cũng lo vì thấy thông tin báo bão đến mỗi lúc một khác nhưng giờ được về nhà mà bão chưa tới thấy cũng yên tâm. Ở nhà nghe mọi người thông báo ủy ban nhân dân xã cũng đã triển khai mọi phương án chống bão rồi”, anh Thuận nói.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 1 vào đầu tháng 4.2012, UBND TP đã cử ông cùng với nhiều lãnh đạo sở ngành ngay từ sáng nay đã trực tiếp xuống Cần Giờ chỉ đạo cộng tác ứng phó bão.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online vào lúc 14 giờ chiều nay, ông Liêm cho biết ông đang đi thị sát một số khu vực xung yếu ven biển ven sông để kịp thời chủ động sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp. Trong buổi sáng nay đã hoàn tất việc sơ tán gần 2.000 người dân của xã đảo Thạnh An vào thị trấn Cần Thạnh để tránh bão. (Đình Phú - Trung Hiếu)

Học sinh huyện Cần Giờ tạm thời nghỉ học

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, vừa có văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường, đơn vị trực thuộc triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với cơn bão số 13.

Theo đó, hiệu trưởng các trường phối hợp với phụ huynh học sinh lưu ý không cho cho sinh ra đường trong tình huống bão xảy ra và nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông từ nay cho đến khi bão đi qua.

Nghiêm cấm tổ chức tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại Cần Giờ trong thời gian bão số 13 đang hoạt động.

“Học sinh huyện Cần Giờ tạm thời nghỉ học do tình hình bão có thể vào rất nhanh. Trong khi đó, đối với các nơi khác, sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục tùy tình hình cụ thể từng nơi mà xem xét cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn”, ông Sơn nói thêm.

Ông Dương Văn Thư, Trường phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ cho biết toàn bộ học sinh cũng như người dân trên xã Thạnh An đã được di dời vào đất liền. Có khoảng 2.000 người dân trên xã Thạnh An đã được di dời từ 5 giờ sáng nay. (Minh Quyên)

Bà Rịa-Vũng Tàu: 3.200 tàu thuyền đã neo đậu an toàn tránh bão

Tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), từ sáng sớm 6.11 đã xuất hiện sương mù do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.


Học sinh đợi phụ huynh đến đón về nhà trưa 6.11

Học sinh vẫn đến trường bình thường, tuy nhiên đến 10 giờ 30 cùng ngày, các trường đã thông báo thông tin cho học sinh nghỉ học buổi chiều.

Tại Trường tiểu học Hạ Long, TP.Vũng Tàu, nhà trường ra thông báo tất cả học sinh được nghỉ học buổi chiều vì bão sẽ vào TP.Vũng Tàu.

Chuyến tàu cánh ngầm tại TP.Vũng Tàu đi TP.HCM xuất phát lúc 10 giờ 30 là chuyến cuối cùng của ngày, ông Nguyễn Văn Hanh, Phó giám đốc Xí nghiệp cảng tàu khách Vũng Tàu, cho biết.

Ông Hanh cho biết, từ 12 giờ ngày 6.11, Ban quản lý cảng cắt toàn bộ hệ thống điện trong khu vực, tạm ngưng các dịch vụ đối với tàu, thuyền, ca nô ra vào cảng.

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online lúc 11 giờ ngày 6.11, tại cầu cảng của xí nghiệp không còn một tàu cánh ngầm nào neo đậu.

Nhiều ca nô đang neo đậu tại cảng hiện tại sẽ di dời vào cảng Sao Mai - Bến Đình, thuộc P.5, TP.Vũng Tàu, vào chiều nay, ông Hanh cho biết.


Tàu cánh ngầm không còn neo đậu tại cảng Bến Đá từ 10 giờ 30 ngày 6.11

Nhiều nhà hàng, các công sở tại TP.Vũng Tàu cũng đã có phương án chằng chống để phòng chống bão.

Đến 11 giờ 30, tại cảng Sao Mai - Bến Đình, các tàu cá vẫn đang chạy từ biển vào cảng để tránh bão.

Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết đã có khoảng 3.200 tàu thuyền vào neo đậu tại các cảng trên địa bàn tỉnh an toàn. Hiện còn hơn 3.000 tàu chưa vào cảng.

Trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) Tiếu Hoa Nhan cho biết các nhà dân trên địa bàn xã đã được chằng chống.

“Hiện chúng tôi đang triển khai phương án di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm vào trường học trên địa bàn xã để đảm bảo an toàn”, ông Nhan cho biết.

Theo ông Nhan, xã Phước Hưng có 96 hộ với hơn 600 khẩu thuộc diện phải di dời vào các trường học để tránh bão. (Nguyễn Long)

Ninh Thuận tập trung lực lượng ứng phó bão

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Ninh Thuận, sáng nay 6.11, vùng biển Ninh Thuận có gió giật cấp 6, cấp 7, có nơi giật trên cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Trên đất liền gió giật cấp 5, cấp 6.

Từ sáng sớm, tại các khu biển Ninh Thuận, lực lượng quân đội, dân quân tự vệ đã giúp người dân chằng chống nhà cửa, sắp xếp bến bãi để tàu thuyền vào neo đậu phòng tránh cơn bão số 13.


Đưa thúng chài của ngư dân lên bờ tránh bão - Ảnh: Thiện Nhân

Ban chỉ huy PCLB-TKCN Ninh Thuận, đang gấp rút chuẩn bị các phương án để ứng phó, phòng tránh khi cơn bão số 13 đổ bộ vào đất liền.

Tại khu vực biển thuộc H.Thuận Nam, lực lượng tại chỗ đã di dời 25.500 người dân ở dọc các bãi biển Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh đến các đồn biên phòng, trường học, trạm xá để phòng tránh.

Tại P.Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, lực lượng quân đội giúp dân chằng chống nhà cửa, sắp xếp tàu thuyền tại các bến bãi và đang triển khai phương án di dời hơn 1.000 dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi bão vào đất liền.

Các cây xanh trên đường phố TP.Phan Rang-Tháp Chàm đã được tiến hành chặt tỉa cành để phòng tránh gió mạnh làm ngã cây. (Thiện Nhân)

Đưa ngư dân vào bờ cấp cứu

Lúc 6 giờ sáng 6.11, tàu SAR 412 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) đã đưa một ngư dân bị đau ruột thừa vào bờ cấp cứu.

Trước đó, sáng 5.11 tàu cá QNg 92174 do ông Trần Văn Bé làm chủ kiêm thuyền trưởng đang ở tại 14,01 độ vĩ bắc, 112 độ kinh đông thì ngư dân Trần Bá Duy (33 tuổi, cùng trú H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị đau vùng bụng phải, nghi viêm ruột thừa cấp.


Đưa ngư dân bị nạn đi cấp cứu sáng 6.11 - Ảnh: Nguyễn Tú

Lúc này, tàu đang cách Quy Nhơn 162 hải lý và cách Đà Nẵng 250 hải lý, trong khu vực thời tiết xấu, biển động mạnh, sóng lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sắp mạnh lên thành bão nên việc di chuyển rất khó khăn.

Đà Nẵng MRCC đã nối máy để Trung tâm Cấp cứu TP.Đà Nẵng hướng dẫn giảm đau cho ngư dân bị nạn, đồng thời yêu cầu tàu cá chạy về hướng Đà Nẵng trong khi tàu SAR 412 đi đón.

Đến 18 giờ 10 phút tối 5.11, tàu SAR 412 đã gặp tàu cá QNg 92174 tại 14,29 độ vĩ bắc, 111,09 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 195 hải lý, tiếp nhận ngư dân và chạy về Đà Nẵng.

Trong khi đó, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết thêm hồi 16 giờ ngày 5.11, tàu cá BĐ 95566 (công suất 245 CV) của ông Nguyễn Bình (trú xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn, Bình Định) bị hỏng máy tại 9,13 độ vĩ bắc, 112,30 độ kinh đông và trôi dạt về hướng nam.

Tàu cá KH 96778 (12 ngư dân) bị hỏng máy từ 9 giờ 40 phút ngày 5.11 đến 6 giờ 25  phút sáng nay 6.11 trôi dạt đến 7,46 độ vĩ bắc, 108,48 độ kinh đông.

Hiện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bình Định và Khánh Hòa đã báo cáo Ủy ban quốc gia tiềm kiếm cứu nạn để có biện pháp cứu tàu. (Nguyễn Tú)

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi hết bão

Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết, các tỉnh thành Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 20 giờ ngày 5.11 cho đến khi hết bão.


Tàu cá khẩn trương vào neo đậu tại vịnh Mân Quang, TP.Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú

Tính đến tối 5.11 các tỉnh thành đã hướng dẫn 38.756 tàu/166.697 lao động (LĐ) tránh bão, trong đó có 427 tàu/6.701 LĐ đang nằm trong khu vục nguy hiểm giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa (từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15).

Cụ thể, Quảng Nam có 64 tàu/1.963 LĐ, Quảng Ngãi 175 tàu/3.277 LĐ, Bình Định 176 tàu/1.351 LĐ, Phú Yên 11 tàu/100 LĐ, Khánh Hòa 1 tàu/10 LĐ.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, trong đêm 5.11 các tỉnh  từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Mực nước các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có dao động nhỏ, dự báo hôm nay 6.11, do ảnh hưởng bão, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây nguyên sẽ lên.

Trong đợt lũ này, mực nước các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên BĐ1, BĐ2, có nơi trên BĐ2, nên cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. (Nguyễn Tú)

Bình Định: Một ngư dân tử nạn trên biển, 2 tàu cá trôi tự do trên biển

* Sáng 6.11, trung tá Nguyễn Văn Chang, Đồn trưởng Đồn biên phòng An Hải (huyện Tuy An, Phú Yên), cho biết thi thể ông Trương Văn Tài (60 tuổi, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền viên tàu cá BĐ 91377 TS, đã được người nhà đưa về quê mai táng.

Trước đó, khoảng 13 giờ 30 ngày 5.11, tàu cá BĐ 91377 TS (hành nghề lưới rút) do ông Trương Hoài Liêu (con của ông Tài) làm thuyền trưởng, trên đường từ Khánh Hòa về Bình Định bị chết máy, sóng lớn đánh dạt vào bãi rạng cù lao Mái Nhà (xã An Hải, huyện Tuy An) mắc cạn.

Ông Liêu thuê hai phương tiện tại vùng này đến kéo tàu BĐ 91377 TS ra khỏi vùng mắc cạn. Không may, một sợi dây cáp dùng để kéo tàu bị đứt và quấn vào cổ ông Tài, khiến ông tử vong.

Cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, tổng số tàu thuyền của ngư dân Bình Định di chuyển đánh bắt trên các ngư trường là 7.345 tàu/42.268 ngư dân, trong đó có 2.748 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản ở các vùng biển xa. Các tàu đánh bắt ở xa đã nghe được thông báo về áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão và tìm cách trú tránh. (Công Cường - Hoàng Trọng)

Khẩn cấp ứng cứu 2 tàu cá trôi tự do trên biển

Theo báo cáo nhanh của Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, hiện có hai tàu đánh cá của tỉnh đang trôi dạt tự do trên biển do gặp sự cố.

Lúc 6 giờ 25 phút ngày 6.11, Bộ đội biên phòng Khánh Hòa cũng đã nhận được thông tin tàu cá KH 96778 do Trần Ngọc Báu (33 tuổi, trú Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, do gặp sự cố nên đang thả trôi tự do.

Vào lúc 7 giờ sáng cùng ngày, lực lượng biên phòng tỉnh Khánh Hòa nhận thông tin tàu cá KH 96761 do ông Dương Đực (trú P.Xương Huân, TP.Nha Trang) làm thuyền trưởng, trên phương tiện có 11 thuyền viên, bị hỏng máy và trôi dạt tự do.

Hiện Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã liên hệ, phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng ứng cứu tàu bị nạn. (Hiền Lương)

TIẾP TỤC CẬP NHẬT

 

>> Bão số 13: Di dời dân trước 7 giờ tối ngày 6.11
>> Bão số 11: Quảng Ngãi di dời dân ở các làng chài
>> Bão số 8: Di dời dân khỏi vùng sạt lở
>> Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2: Không có phương án di dời dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.