TP.HCM tìm hướng đột phá để vươn mình

Ngô Minh Trí
(thực hiện)
26/11/2024 06:10 GMT+7

TP.HCM đến lúc cần cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế thì mới có thể phát triển đột phá, cùng cả nước vươn mình vào kỷ nguyên mới.

Đó là điều mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây về định hướng chiến lược phát triển TP.HCM trong thời gian tới, đặc biệt về ngành bán dẫn.

Hướng đến hoàn thiện định hướng chiến lược

Vừa qua, ông có dẫn đầu đoàn công tác của TP.HCM làm việc tại Mỹ với hàng loạt cuộc làm việc về xúc tiến đầu tư và phát triển công nghệ trải từ bờ Tây sang bờ Đông. Ông có thể chia sẻ thêm về những cuộc làm việc này?

Ông Phan Văn Mãi: Chương trình làm việc lần này có rất nhiều nội dung mới và trên quy mô lớn. Chúng tôi tập trung vào 2 vấn đề chiến lược mà TP theo đuổi trong kỷ nguyên chuyển đổi số (CĐS). Đó là xúc tiến đầu tư và phát triển công nghệ. Trong xúc tiến đầu tư, chúng tôi cũng chú trọng vào các lĩnh vực chuyên sâu công nghệ như thương mại điện tử, vi mạch bán dẫn…

TP.HCM tìm hướng đột phá để vươn mình- Ảnh 1.

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Chúng tôi đã tổ chức thành công Diễn đàn Mùa thu TP.HCM - Mỹ năm 2024 tại California, New York và Massachusetts từ ngày 25.10 - 2.11. Chương trình này có 8 sự kiện chính gồm: Diễn đàn công nghệ TP.HCM - Thung lũng Silicon, Hội thảo Thương mại điện tử và thị trường Mỹ, Hội nghị Xúc tiến đầu tư ngành vi mạch bán dẫn vào TP.HCM, Bàn tròn thảo luận đầu tư vào Mỹ; Bàn tròn thảo luận Góp ý định hướng phát triển TP.HCM, Bàn tròn Đối thoại chính sách Việt - Mỹ, Diễn đàn mùa thu TP.HCM - New York 2024; và Bàn tròn Đối thoại về quản trị trong một thế giới biến động với những đột phá về công nghệ tại Massachusetts. Sở dĩ chúng tôi tổ chức thảo luận việc đầu tư vào Mỹ là để tìm giải pháp sao cho thương mại và đầu tư giữa VN và Mỹ được cân bằng hơn.

Mỗi sự kiện đều được tính toán về thành phần tham dự, hướng đến cái nhìn và nhận thức sâu sắc trong từng vấn đề nhằm hoàn thiện định hướng chiến lược cho sự phát triển của TP.HCM trong thời gian tới. Một đợt công tác thì chưa đủ để thành "liều thuốc tiên" tạo đột phá ngay; nhưng kết hợp với quá trình suốt những năm qua thì có thể góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển cho TP.

Ông có thể chia sẻ chiến lược chung đó là gì?

Định hướng chung về chiến lược thì TP.HCM vẫn tập trung theo đuổi mô hình phát triển bền vững, thích ứng với chuỗi giá trị toàn cầu giữa xu thế kinh tế số, chuyển đổi xanh. Đặc biệt là khả năng thích ứng và nắm bắt cơ hội của TP trong bối cảnh cấu trúc địa chính trị thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái định hình.

Giải quyết thách thức

Ở trên, ông có nhấn mạnh vào ngành bán dẫn. Hiện nay, thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng bán dẫn, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều quốc gia để thu hút sự chuyển dịch. Vậy theo ông, làm sao để chúng ta cạnh tranh hiệu quả?

Có 3 yếu tố then chốt để thu hút đầu tư ngành bán dẫn.

Thứ nhất là chính sách, cơ chế để hỗ trợ giới đầu tư. Chính sách và cơ chế ở đây trước hết là tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Kèm theo đó là những chương trình ưu đãi nhà đầu tư về thuế, quỹ đất…

Thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, nguồn điện, nước, logistics... Những năm vừa qua, hệ thống giao thông của VN đã được cải thiện mạnh mẽ khi các tuyến cao tốc ngày càng nhiều hơn. TP.HCM cũng đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống giao thông: Tiến độ thi công đường Vành đai 3 đã được thúc đẩy và tuyến Vành đai 4 đang được xúc tiến. Thêm vào đó, việc triển khai thành công mô hình TOD (lấy giao thông công cộng làm trung tâm) là để phát triển hệ thống giao thông công cộng, chỉnh trang lại đô thị theo hướng TP.HCM sẽ trở thành một đô thị hiện đại và thông minh. Đây là một mục tiêu hết sức quan trọng và TP.HCM sẽ làm được.

Tuy nhiên, trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, chúng ta vẫn cần phải nâng cấp nhiều hơn nữa về viễn thông và nguồn cung cấp điện. Đây là những thách thức không nhỏ. Bởi ví dụ, một nhà máy sản xuất chip bán dẫn như TSMC đầu tư tại Mỹ cần nguồn điện lên đến 200 MW.

Nói thế không phải là ngoài khả năng của chúng ta, mà vấn đề là chúng ta phải quy hoạch, tổ chức, điều tiết, vận hành hiệu quả các nguồn điện. Để làm được điều này, cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn cung cấp điện cần sớm hoàn thiện để tăng nguồn cung.

Đối với nguồn nước thì hiện nay công nghệ xử lý để tái sử dụng nước ngày càng phát triển, nhiều tập đoàn lớn như Intel, TSMC… đã áp dụng và đạt tỷ lệ tái sử dụng nước rất cao. TP.HCM đã lên kế hoạch áp dụng các công nghệ này.

Thứ ba là nguồn nhân lực. Nhiều năm qua, chúng ta được đánh giá có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, nhưng rõ ràng vẫn cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao. VN nói chung, TP.HCM nói riêng đã có nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và đến nay đã có những thành tựu nhất định, khi nguồn nhân lực VN ngày càng đóng vai trò cao trong hoạt động tại VN của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Nhưng chúng ta vẫn phải đẩy mạnh hơn.

Tiếp cận phù hợp

Trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, thời gian qua, chúng ta đạt nhiều hiệu quả ở phần hạ nguồn (sản xuất, lắp ráp thiết bị đầu cuối, đóng gói và kiểm tra chip bán dẫn…). Phần thượng nguồn (khai thác, tinh chế nguyên liệu bán dẫn) không được đánh giá cao về giá trị gia tăng và phải giải quyết nhiều rủi ro môi trường. Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta phát triển mạnh phần trung nguồn (sản xuất linh kiện bán dẫn phức tạp) và đạt nhiều giá trị gia tăng hơn trong chuỗi cung ứng bán dẫn?

Thực sự, để phát triển mạnh về hoạt động trung nguồn trong chuỗi cung ứng bán dẫn, chúng ta phải đột phá nhanh về hạ tầng như đề cập ở trên. Điều này khó có thể đạt được trong một sớm một chiều. Nếu xem đó là chiến lược phát triển cho 5-10 năm nữa thì trong ngắn hạn, chúng ta có thể đẩy nhanh mảng thiết kế chip. Tất nhiên, các phần thiết kế cốt lõi thì trong đợt tái cấu trúc chuỗi cung ứng hiện nay, các nước như Mỹ có xu hướng sẽ giữ lại phần này trong nước họ, nhưng dư địa còn rất nhiều. Đây là cách tiếp cận phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta cũng như xu thế quốc tế.

Tôi cũng nhìn nhận cần có cách tiếp cận mới hơn để tận dụng nguồn lực từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Không nhất thiết phải tìm mọi cách để thu hút nguồn nhân lực này về nước. Theo một số thống kê sơ bộ, chỉ riêng ở Thung lũng Silicon (California), được xem là "cái rốn" về tiến bộ và đổi mới của ngành công nghệ tại Mỹ, có hàng ngàn chuyên gia là người gốc Việt. Nếu đội ngũ này hiến kế, tư vấn thì rõ ràng sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của chúng ta. Đội ngũ này mà kết nối chúng ta với giới chuyên gia, tập đoàn hàng đầu thế giới thì càng tạo ra nguồn lực khổng lồ.

TP đã triển khai kế hoạch thu hút chất xám và nhân tài về làm việc. Tuy nhiên, kết quả vẫn rất khiêm tốn. Do vậy, TP đang có kế hoạch xây dựng các chính sách, cơ chế dựa trên Nghị quyết 98 của Quốc hội và nếu cần thì đề xuất để T.Ư cho thêm cơ chế thử nghiệm thu hút chất xám theo cách mới. Ví dụ "mua" một phần thời gian và chất xám của các chuyên gia song song với việc thu hút về làm việc tại TP. Chúng ta cần một cơ chế rất khác so với cách làm hiện tại.

TP.HCM sẽ đánh giá để hoàn thiện chiến lược bằng những cách tiếp cận mới. Cách làm gì không phù hợp, không hiệu quả, TP sẵn sàng ngưng lại để đổi mới hoặc chọn những cách tiếp cận mới. Phải có các cách tiếp cận mới về xây dựng đội ngũ nhân lực, phát triển mạng lưới cũng như kế hoạch hành động chi tiết, chúng ta mới có thể tạo ra sự đột phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Cám ơn ông!

TP.HCM tìm hướng đột phá để vươn mình- Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi

Ảnh: Sỹ Đông

Hội nhập quốc tế sâu và rộng luôn là một dòng chảy xuyên suốt TP. Trong hơn 1 năm qua, việc các đại học, viện, trường đặt trụ sở nghiên cứu, thành lập các cơ sở thí nghiệm hay mang các mô hình huy động nguồn lực khác nhau về chuyển đổi kép (xanh và số) tổ chức tại TP.HCM có thể xem là điểm sáng quan trọng. Có thể kể đến sự hình thành của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (thuộc mạng lưới Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF), Viện Đại học Sydney Việt Nam (Đại học Sydney), Trung tâm thành phố thông minh và bền vững (Đại học RMIT), Netzero Challenge (quỹ Temasek Foundation, Singapore)…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.