TP.HCM 'tính chuyện' với 26.000 ha đất nông nghiệp chuyển đổi

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/08/2018 21:23 GMT+7

Sáng 11.8, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020).


Đất nông nghiệp giảm từ 118.000 ha xuống 88.000 ha 
Theo Nghị quyết 80 vừa được Chính phủ phê duyệt, trong 10 năm (2011-2020), TP.HCM được duyệt chuyển đổi 29.367 ha từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Từ nay đến hết năm 2020, còn 26.246 ha (trừ 498 ha đã được chuyển đổi năm 2016) đất nông nghiệp tiếp tục được chuyển đổi mục đích sử dụng. Số liệu từ từ trình của UBND TP.HCM cho thấy, trong 10 năm, từ 2010 - 2020, đất nông nghiệp tại TP.HCM giảm từ 118.052 ha xuống 88.005 ha, trong khi đất phi nông nghiệp tăng gần gấp đôi, từ 90.868 ha lên188.890 ha.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, số đất được chuyển đổi sẽ dùng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh, ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và công nghiệp trọng yếu. Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận, một số chỉ tiêu về sử dụng đất trong thời gian qua đã không thực hiện được theo quy hoạch làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường.
TP.HCM vừa được Chính phủ phêt duyệt chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp Ngọc Dương
Nguyên nhân do tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định, trái thẩm quyền nhưng chưa được kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời; không ít nhà đầu tư có năng lực tài chính kém khiến dự án đã được giao đất nhưng không triển khai được. Tính đến cuối năm 2015, toàn thành phố còn 2.100 ha đất đô thị chưa được chuyển mục đích sử dụng theo kế hoạch.

4 đô thị vệ tinh theo quy hoạch:
 Phía đông khu vực phường Long Trường, Q.9 giáp với trục cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với diện tích khoảng 280 ha. Phía tây khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200 ha), trục Nguyễn Văn Linh. Phía nam gồm khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110 ha) và phía bắc thuộc khu Tây – Bắc (500 ha), hướng Quốc lộ 22.
Chủ trì Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố có đến 52% đất nông nghiệp nhưng đóng góp vào GDP chỉ 0,06%. Lần điều chỉnh lần này tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị. Ông Phong cũng khẳng định chính quyền thành phố sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp nhưng không chấp nhận doanh nghiệp làm ăn không đúng quy định pháp luật.
“Những dự án nào sau 3 năm không triển khai thì công bố hủy bỏ và giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân. Doanh nghiệp được giao đất triển khai dự án nhưng kéo dài, nếu không kiên quyết thì không thể thực hiện Nghị quyết 80 hiệu quả được. Thế nên, theo tôi, các dự án cho thuê đất, nếu chậm thực hiện cũng thu hồi theo quy định”, ông Phong nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.