Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM chiều 11.6, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết thời gian cách ly, phong tỏa các tòa nhà văn phòng, chung cư, khu dân cư phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thời điểm phát hiện ca nhiễm Covid-19, mức độ tiếp xúc, mức độ lây lan ra khu vực. Do đó, không thể đưa ra thời hạn nhất định nào mà phải đánh giá nguy cơ để khi giải tỏa phải thực sự an toàn cho cư dân khu vực đó.
Như vậy, nếu khu vực chưa an toàn thì có thể cách ly nhiều hơn 14 ngày. Tuy nhiên, gần đây có một số tòa nhà văn phòng khi phong tỏa, thì những người trong tòa nhà được đưa đi cách ly tập trung. Sau khi ngành y tế khử khuẩn, đánh giá không còn yếu tố nguy cơ thì có thể giải tỏa cách ly càng sớm càng tốt.
Nếu các tòa nhà làm việc lại thì ngành y tế yêu cầu các tòa nhà phải đảm bảo an toàn cho người làm việc trong tòa nhà và những người đến liên hệ công tác. Ngành y tế lưu ý các nhân viên làm việc trở lại phải hết thời gian cách ly, còn không thì phải đưa nhân viên mới vào làm việc.
|
Về việc cách ly các trường hợp F1 tại nhà, ông Hưng cho biết ngành y tế TP.HCM đã suy nghĩ về vấn đề này. Theo ông Hưng, cách ly tại nhà có ưu điểm là người cách ly cảm thấy thoải mái và tuân thủ dễ dàng các biện pháp phòng dịch Covid-19.
"Việc khó nhất của cách ly tại nhà đó là liệu rằng chúng ta có giám sát được sự tuân thủ của họ hay không. Tất nhiên, theo quy định thì lực lượng chức năng phải giám sát việc này nhưng việc tiếp xúc trong nhà rất khó giám sát. Ngành y tế sẽ đánh giá, nếu nhà đó có đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu không phải cách ly tập trung", ông Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM đang suy nghĩ các biện pháp để kiểm soát được sự lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 khi cách ly tại nhà và sự tuân thủ, trong đó sẽ ứng dụng công nghệ để có thể kiểm soát được sự tuân thủ, tiếp xúc trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Bình luận (0)