Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất cho UBND tỉnh Nghệ An có thêm 1 phó chủ tịch UBND tỉnh, tối đa không quá 5 phó chủ tịch, tương tự như TP.Hà Nội hiện nay.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, UBND tỉnh Nghệ An đang được cơ cấu 4 phó chủ tịch, theo dự thảo Chính phủ đề xuất không quá 5 phó chủ tịch, nghĩa là tăng thêm 1 vị trí phó chủ tịch.
Tuy nhiên, bà Hà dẫn khoản 2 điều 8 luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nêu rõ: UBND gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên, số lượng cụ thể phó chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định.
"Như vậy, số lượng các phó chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định. Vậy, có nên đưa vào trong nghị quyết của Quốc hội hay không, đề nghị các đồng chí xem xét thêm", bà Hà nêu.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) thì cho rằng, dù tờ trình và báo cáo thẩm tra nói đã có ý kiến đồng ý trước rồi, song bà vẫn cho rằng đây là vấn đề cần cân nhắc.
Bà cho rằng, số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh cần phải tính toán dựa trên dân số, diện tích cũng như tính phức tạp của địa phương. Bà dẫn chứng, TP.Hà Nội với đặc thù là thủ đô, dân số đông, diện tích lớn cũng tối đa 5 phó chủ tịch.
"TP.HCM "to như thế" nhưng cũng chỉ 5 phó chủ tịch. Bây giờ Nghệ An mà có tới 5 phó chủ tịch thì tôi thấy cũng hơi nhiều. Thật ra, nếu tăng thêm 1 phó chủ tịch thì cũng không tác động gì lớn đến phát triển kinh tế - xã hội hay đảm bảo Nghệ An phát triển như mục tiêu đặt ra khi đề xuất các chính sách đặc thù tại nghị quyết này", bà Thủy nêu.
Theo tờ trình dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất 14 chính sách đặc thù áp dụng với Nghệ An: 2 chính sách tương tự hoàn toàn và 8 chính sách tương tự đã được áp dụng ở một số địa phương, 4 chính sách là đề xuất mới, phù hợp với thực tiễn của riêng Nghệ An.
Trong số các chính sách tương tự đã áp dụng ở một số địa phương, dự thảo đề xuất các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với H.Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.
Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên thuộc cảng biển loại 1.
HĐND TP.Vinh được thành lập 3 ban, gồm ban pháp chế, ban kinh tế - ngân sách, ban văn hóa - xã hội; có không quá 2 phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP.Vinh có không quá 4 phó chủ tịch.
Đối với nhóm chính sách đặc thù riêng với Nghệ An, dự thảo đề xuất cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách T.Ư bổ sung có mục tiêu cho địa phương, nhằm đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Việc đề xuất UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch, tăng thêm 1 chủ tịch so với hiện nay là một chính sách đặc thù riêng với Nghệ An.
Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của T.Ư, của Bộ Chính trị. Do đó, chính sách này đã được báo cáo cấp có thẩm quyền và đã được chấp thuận. Với cơ sở chính trị đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo nghị quyết.
Bình luận (0)