Thế nhưng, bình tĩnh nhìn lại sẽ thấy, đà giảm tốc của "đầu tàu" đã xuất hiện cả chục năm trở lại đây.
Dấu hiệu này càng rõ hơn khi đại dịch Covid-19 ập tới và đỉnh điểm là tăng trưởng "đội sổ" của quý 1 như nói trên.
Cụ thể theo thống kê, trong 20 năm từ 1991 - 2010, tốc độ tăng GDP của TP.HCM bình quân 10,5%/năm, cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm 2011 - 2020 các con số này giảm lần lượt là 7,2%/năm và 1,2 lần. Đến năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP chỉ bằng khoảng 45% tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (1,4% so với 2,91%). Mới nhất, quý 1/2023 kinh tế TP chỉ tăng 0,7%, thấp nhất trong 5 TP trực thuộc T.Ư và nằm trong top 10 tỉnh/thành tăng trưởng thấp nhất nước.
Dẫn các con số trên để thấy cú sốc tăng trưởng hiện nay của TP là kết quả tất yếu của cả một quá trình giảm tốc có dấu hiệu từ hơn chục năm qua chứ không quá đột ngột, không quá bất ngờ như chúng ta đang nghĩ. Và những người có thẩm quyền, trách nhiệm, có tình yêu và tâm huyết với TP đều hiểu nguyên nhân sâu xa của cú sốc tăng trưởng quý 1 và đà giảm tốc suốt hơn 1 thập niên qua là do chiếc áo cơ chế đã quá chật chội với cơ thể đã, đang và sẽ còn lớn nhanh, lớn mạnh của một "siêu" đô thị như TP.HCM.
Hay nói một cách đơn giản thì TP.HCM với lợi thế dân số, vị trí, tiềm năng phát triển... khác biệt, bắt mặc chung một chiếc áo cơ chế với tất cả các tỉnh/thành trên cả nước là chưa hợp lý. Chiếc áo chật chội này đã và sẽ kìm hãm các lợi thế, tiềm năng, khiến TP không thể phát huy được. Vì thế, một chiếc áo lớn hơn, phù hợp hơn sẽ giúp TP đột phá trong tăng trưởng và phát triển.
Đó chính là dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mà theo kế hoạch, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc vào hôm nay (9.5) sẽ cho ý kiến để trình ngay trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV này. Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên "để không lỡ mất thời cơ, lỡ mất cơ hội cho sự phát triển".
Thực ra không chỉ lãnh đạo TP sốt ruột, chính sách đặc thù cho TP.HCM "đầu tàu" của cả nước luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu. Từ cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu thể chế, cơ chế đặc thù để phát triển TP. Sau đó, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54.
Trước đó, Chính phủ cũng trình tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng nghị quyết này và đề nghị xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp - kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 này.
Với hơn 40 cơ chế đặc thù cụ thể và tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM", người dân TP nói riêng và người dân cả nước nói chung đang chờ đợi chiếc áo cơ chế mới rộng rãi, thông thoáng sẽ đưa TP.HCM bứt tốc đúng với tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là "đầu tàu" kéo kinh tế cả nước phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.
Bình luận (0)