Chủ trì buổi làm việc có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay đối với hoạt động cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49 làm việc với một số địa phương tiêu biểu, có hoạt động tư pháp khá sôi nổi như TP.HCM. Đoàn công tác số 2 được phân công làm việc với TP.HCM.
Sau các buổi làm việc với các địa phương và bộ ngành, nhiệm vụ của đoàn công tác là tham mưu cho Bộ Chính trị, T.Ư chủ trương, hoạch định về tiến trình cải cách tư pháp mới. Do đó đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đoàn công tác.
Thay mặt Thành ủy TP.HCM, ông Phan Ngọc Minh, Phó ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, báo cáo về tổng kết Nghị quyết số 49 và Chỉ thị 33 tại TP.HCM.
|
Đáng chú ý, về hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, Thường trực Thành ủy thường xuyên có các buổi làm việc với đảng ủy, ban cán sự đảng của từng cơ quan tư pháp thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các cơ quan tư pháp thực hiện đúng tinh thần cải cách từ pháp.
Thường trực Thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực; các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp đều được xem xét, xử lý nghiêm minh; ngăn ngừa tình trạng buông lỏng hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp; bảo đảm hoạt động tư pháp đúng đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật nhà nước.
Trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án, khi gặp trường hợp thuộc quy định Chỉ thị 15 ngày 7.7.2005 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý và công tác bảo vệ Đảng (hiện thay bằng Chỉ thị 26 ngày 9.11.2018 của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc"), các cơ quan bảo vệ pháp luật đều báo cáo, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng.
|
Báo cáo cũng cho hay Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực cho Ban chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố, tham mưu Thành ủy chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy thành lập khối nội chính với cơ cấu trưởng khối là Bí thư quận, huyện ủy và các thành viên là thủ trưởng các cơ quan tư pháp quận, huyện để theo dõi chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, truy tố và thi hành án.
Báo cáo của Thành ủy TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành T.Ư xem xét lại chỉ tiêu tinh giản biên chế để bố trí tăng (hoặc giữ nguyên biên chế được giao) do thực trạng công việc của các cơ quan tư pháp thành phố ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp trong khi số lượng cán bộ, công chức các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu do khối lượng công việc quá lớn.
Theo ông Phan Ngọc Minh, đề xuất và kiến nghị trên đều được các cơ quan tư pháp, tố tụng của thành phố quan tâm và mong T.Ư xem xét. Bởi lẽ khối lượng các vụ việc liên quan đến điều tra, xét xử của thành phố chiếm 1/6 đến 1/5 tổng số vụ việc của cả nước. Thậm chí Cục thi hành án dân sự TP.HCM một năm phải giải quyết hơn 100.000 vụ việc.
Bình luận (0)