Bị cắt hàng ngàn tỉ đồng từ khoản thưởng thu vượt dự toán ngân sách, TP.HCM buộc phải “cầu cứu” Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng.
TP.HCM thiếu tiền chống ngập nên đời sống người dân vào mùa mưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo UBND TP.HCM, nhằm tạo điều kiện cho TP tăng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bên cạnh quy định về thưởng thu vượt dự toán của luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2004/NĐ-CP về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM; quy định trong trường hợp có số tăng thu ngân sách T.Ư so với dự toán Thủ tướng giao, ngân sách TP được thưởng 30% của số tăng thu này (theo quy định tại khoản 2 điều 30 luật NSNN). Đến năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124, cũng quy định tương tự.
|
Năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, TP đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu NSNN được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng giao. Tổng thu trên địa bàn (không kể thu từ dầu thô) khoảng 250.000 tỉ đồng, đạt 110,35% dự toán, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 119,03% dự toán. “Căn cứ theo các quy định mà T.Ư đã ban hành, UBND TP đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét, thưởng thu vượt dự toán năm 2014 cho TP với số tiền là 8.369 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sau đó thông báo số thưởng và đầu tư trở lại năm 2014 cho TP chỉ có 3.150 tỉ đồng, giảm hơn số đề nghị của TP là 5.219 tỉ đồng”, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM Võ Văn Luận cho biết.
Thiếu vốn đầu tư hạ tầng
Theo người phát ngôn UBND TP.HCM, nhu cầu vốn để chi đầu tư các công trình, dự án của TP rất lớn, bình quân 35.000 - 40.000 tỉ đồng/năm. Trong khi đó tỷ lệ điều tiết từ tổng số thu NS trên địa bàn để lại cho TP ngày càng giảm, từ 33% năm 2003 giảm còn 29% (thời kỳ ổn định ngân sách 2004 - 2006), rồi 26% ( 2007 - 2010) và hiện chỉ còn 23% (2011 - 2015); sau khi đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên, an sinh xã hội và thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay đến hạn, số cân đối dành cho chi đầu tư phát triển còn hơn 6.800 tỉ đồng/năm, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư hằng năm.
Luật NSNN quy định, các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là khoản thu 100% ngân sách T.Ư. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn thu từ hoạt động này ổn định, TP đã phải tập trung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ và hệ thống cảng sông, cảng biển; ưu tiên dành vốn NS để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết nối liên vùng; chỉ đạo phối hợp để tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả nguồn thu.
|
Trong điều kiện NS khó khăn nhưng TP đã cân đối để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị T.Ư đóng trên địa bàn TP như hỗ trợ Viện KSND 37 tỉ đồng xây dựng trụ sở, cho TAND tối cao mượn 80 tỉ đồng để đầu tư trụ sở cơ quan tòa án trên địa bàn TP; tạm ứng cho Bộ Tư lệnh TP 216 tỉ đồng để thực hiện di dời doanh trại từ Bình Dương về TP.HCM… Chi kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng do ngân sách T.Ư đầu tư như dự án mở rộng tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây qua địa bàn Q.2 và Q.9 số tiền 2.558 tỉ đồng; dự án đường nối đại lộ Đông Tây và cao tốc Trung Lương 150 tỉ đồng; dự án quốc lộ 50 qua địa bàn H.Bình Chánh 1.280 tỉ đồng…
“Đúng ra là TP xứng đáng được thưởng khoảng 8.000 tỉ đồng. TP đã tự bươn chải đủ chuyện, lo rất là nhiều. Nhu cầu vốn đầu tư rất bức xúc, đặc biệt các dự án chống ngập, giải quyết cung cấp nước hợp vệ sinh, trường học, nhà trẻ cho con công nhân đang rất căng thẳng vì thiếu tiền để triển khai. Nếu có tiền thưởng theo quy định thì sẽ dễ thở hơn một chút, đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho đầu tư phát triển”, ông Luận nói.
Bị cắt thưởng, khó khăn chồng chất
Trong văn bản kiến nghị gửi T.Ư, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết mặc dù TP đã tập trung phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, khai thác các khoản thu từ nhà, đất nhưng vẫn không đảm bảo được cân đối, nên phải tăng cường huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu đô thị, vay mượn vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (ODA) để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngày càng trở nên hết sức bức xúc và cấp bách.
Đến nay, số dư nợ của TP đối với các khoản vay trong nước là 12.669 tỉ đồng, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.446 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm, TP phải cân đối khoảng 3.000 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn. Do đó, việc bị cắt thưởng làm cho ngân sách TP ngày càng khó khăn hơn vì vừa phải đảm bảo nguồn chi đầu tư, vừa phải thanh toán các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Theo quy định thì được thưởng, nhưng... Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính về vấn đề này. * Theo luật Ngân sách nhà nước hiện hành và Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP.HCM thì đề xuất của TP.HCM về việc được thưởng gần 8.000 tỉ đồng là phù hợp chứ, thưa ông? - Theo quy định thì TP được thưởng một số khoản gần 8.000 tỉ đồng. Nhưng trong bối cảnh chung của nền kinh tế, do thu NS năm nay cũng có những khó khăn, trong khi có nhiều việc cần phải xử lý nên việc UBND TP.HCM đề xuất và việc Quốc hội (QH) hay Chính phủ phê duyệt mức thưởng bao nhiêu thì cũng phải cân đối hài hòa. * Không nhiều địa phương có nguồn tăng thu lớn như vậy nên có cơ chế thưởng theo đúng quy định đã đặt ra thì cũng sẽ khuyến khích các địa phương chủ động trong việc đưa ra các giải pháp tốt để tăng thu, ông nghĩ thế nào? -Thực ra không chỉ có TP.HCM đâu mà Hà Nội cũng có đề xuất tương tự, cũng ở mức cao tuy không bằng đề xuất của UBND TP.HCM, QH cũng không hoàn toàn chấp nhận ở mức đó mà chỉ xem xét, duyệt ở mức phù hợp thôi. * Mới đây, TP.HCM tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ và Thường vụ QH xem lại do TP gặp khó khăn về vốn đầu tư phát triển, liệu lần này, đề nghị đó có được xem xét không? - Tôi nghĩ chắc là khó vì QH, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đã có chỉ đạo, có nghị quyết và có những cân đối rồi. Nếu có thì có thể sang năm có xử lý cho TP chứ nghị quyết đã ban hành rồi thì khó sửa đổi. Theo quy định hiện nay, việc sử dụng nguồn tăng thu thế nào cũng phải trình Thường vụ QH, QH thông qua. Việc này Chính phủ đã trình, Thường vụ QH cũng đã xem xét kỹ lưỡng, đối chiếu, xem trước, xem sau, bố trí chính sách, chế độ, cân đối bài toán thu chi trên cân đối vĩ mô tổng thể về ngân sách. Nên mới quyết định thưởng cho TP ở mức như vậy. * Thưa ông, vì sao Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH lại không duyệt cho TP một mức thưởng vượt thu cao hơn con số 3.150 tỉ đồng ? - Để lại phần vượt thu cho TP trên 3.000 tỉ đồng thì có gần 5.000 tỉ đồng được đưa vào ngân sách để chi cho những khoản cần thiết, cấp bách khác như chi cho an ninh quốc phòng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội... Nên không thể chỉ vì TP mà cắt hết các khoản đó. TP.Hà Nội cũng thế, mức đề xuất để lại phần vượt thu tuy thấp hơn nhiều so với TP.HCM đề nghị nhưng cũng bị cắt giảm, chứ không được để lại 100%. Đây là sự chia sẻ với nhà nước. Có những năm, TP.HCM không được thưởng ngân sách, tăng thu không cao nhưng T.Ư vẫn quyết định thưởng, hỗ trợ những khoản đầu tư cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. Cho nên, cũng có lúc có nguồn tăng thu lớn thì cũng phải chia sẻ, hỗ trợ cho ngân sách T.Ư. Mạnh Quân (thực hiện) |
Bình luận (0)