TP.HCM yêu cầu khắc phục trụ nước chữa cháy ‘chỉ để làm cảnh’

Đình Phú
Đình Phú
25/03/2018 14:31 GMT+7

Trong số 7.700 trụ nước chữa cháy do Cảnh sát PCCC TP.HCM tiếp nhận và quản lý, hiện có 668 trụ bị hư hỏng không lấy nước được.

Ngày 25.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cho biết UBND TP yêu cầu Cảnh sát PCCC thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục tham mưu xây dựng và ban hành bộ định mức dự toán kinh phí bảo dưỡng, duy tu sửa chữa trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố để làm cơ sở duyệt nguồn kinh phí thực hiện hằng năm.
Ông Huỳnh Cách Mạng, cho biết thêm không phải sau khi sự cố cháy chung cư Carina Plaza, P.16 (Q.8) xảy ra mới có chỉ đạo này, mà UBND TP đã ban hành văn bản chỉ đạo trước đó.
Theo đó, từ năm 2006, TP đã ban hành quy định về quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn. Tính đến nay, tổng số trụ nước chữa cháy Cảnh sát PCCC thành phố quản lý và sử dụng trên địa bàn là 9.669 trụ, trong đó bao gồm: 7.700 trụ nước chữa cháy tiếp nhận bàn giao từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên và các đơn vị chủ đầu tư khác; 689 trụ lắp đặt mới từ tháng 12.2016 đến nay; 945 trụ nước chữa cháy trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 82 trụ lắp đặt mới trong các dự án khu đô thị, khu dân cư mới từ tháng 12.2016 đến nay; 113 trụ trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng; 140 trụ trong các khu dân cư hiện hữu.
Trong số 7.700 trụ nước chữa cháy do Cảnh sát PCCC thành phố tiếp nhận và quản lý, đến nay đã có 668 trụ bị hư hỏng không lấy nước được. Nguyên nhân: vì chưa có kinh phí để thực hiện nên từ năm 2015 đến nay, các trụ nước chữa cháy được tiếp nhận bàn giao không được duy tu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo quy định nên nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng.
Ngoài ra, tình trạng mất cắp nắp bảo vệ họng chờ trụ nước chữa cháy còn xảy ra nhiều do công tác kiểm tra, bảo vệ trụ nước chữa cháy chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ trụ nước chữa cháy còn nhiều hạn chế. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là cấp phường, xã, thị trấn còn chưa được nâng cao.
Đặc biệt còn có tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý lấy nước từ trụ nước chữa cháy sử dụng trái quy định còn diễn ra phổ biến. Các hoạt động này thường diễn ra vào khoảng thời gian sau 22 giờ nên rất khó phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, các đối tượng này không có thiết bị chuyên dụng để mở trụ nên dẫn đến hư hỏng.
Nhiều trường hợp trụ nước chữa cháy bị các phương tiện giao thông đụng gãy, nghiêng, chủ phương tiện không phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục hư hỏng. Các công trình thi công đường, hẻm gây ảnh hưởng đến trụ nước chữa cháy như làm trụ bị nghiêng, bị lấp.
Hiện chưa có bộ định mức đơn giá công tác bảo dưỡng, duy tu sửa chữa trụ nước chữa cháy trên địa bàn TP.HCM để làm cơ sở đề xuất cấp kinh phí thực hiện. Do đó, đến thời điểm hiện nay, số trụ nước chữa cháy bị hư hỏng vẫn chưa được bảo trì bảo dưỡng định kỳ và công tác sửa chữa số trụ nước chữa cháy bị hư hỏng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, TP.HCM hiện vẫn còn thiếu hơn 11.000 trụ nước chữa cháy lắp đặt mới ở các khu dân cư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.