Chiều 5.5, nhiều nơi ở TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) bị "bủa vây" bởi làn khói mù mịt do nông dân đốt đồng. Ghi nhận của PV Thanh Niên, đường Tố Hữu, Bà Triệu, Hoàng Quốc Việt... là những nơi có làn khói dày đặc nhất, gây hạn chế tầm nhìn, khó khăn cho việc lưu thông đi lại của người dân.
"Chạy trên đường rất cay mắt, thậm chí nhiều đoạn còn không thấy gì, giờ này tan tầm nên xe đông rất nguy hiểm", anh Đào Xuân Chính (46 tuổi, người dân TP.Huế, lưu thông trên đường Tố Hữu) nói.
Khói đốt đồng còn bao trùm nhiều giờ đồng hồ toàn bộ TP.Huế khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. P.Xuân Phú, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất. Tại đây, khói nghi ngút kèm theo hơi cay "phong tỏa" nhiều căn hộ, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Khói bay vào nhà khiến hệ thống báo cháy reo liên tục, buộc họ phải đóng kín cửa.
"Tôi rất lo ngại cho sức khỏe của con. Vì đọc trên nhiều trang mạng thấy nói rằng khói từ việc đốt đồng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, nhất là với trẻ nhỏ", chị Lê Hoài Nhi (cư dân chung cư Aranya, P.Xuân Phú, TP.Huế) lo ngại.
PV Thanh Niên tiếp tục đi dọc đường Tố Hữu, đến điểm có cột khói mạnh bốc lên thuộc cánh đồng xã Thủy Thanh (TX.Hương Thủy). Thời điểm này, nhiều người dân đang đốt đồng, tạo nên hàng chục trụ khói rồi theo gió bay về hướng TP.Huế.
Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, cho hay việc hạn chế tình trạng đốt rơm sau thu hoạch đang là bài toán nan giải của địa phương. Gặt xong, phơi khô rơm, nông dân thường phải đốt để kịp gieo vụ mới; trong khi "công đoạn" cuộn rơm lại tốn rất nhiều chi phí, bán ra thị trường thì không được giá nên họ không "mặn mà".
"Chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền người dân qua loa truyền thanh về việc hạn chế đốt đồng sau thu hoạch. Còn nếu xử phạt mạnh tay với họ thì quá tội. Thời gian tới, địa phương sẽ tìm phương án, đề xuất với Phòng Kinh tế huyện để giúp người dân tiêu thụ rơm cuộn một cách hiệu quả", ông Tuấn nói.
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có công văn về việc tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm…) trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ. Đồng thời, khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)