(TNO) Việc 12 nước đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp Tổng thống Mỹ củng cố cam kết từng đưa ra trước đây là xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước các đối tác tham gia TPP tại Toà đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh ngày 10.11.2014 - Ảnh: AFP |
Mặc dù đang phải đau đầu về tình hình Trung Đông, nhất là Syria, nhưng ông Obama có thể tuyên bố đạt được thành công về mặt ngoại giao khi đạt được thỏa thuận TPP, 16 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình, với điều kiện ông phải vượt qua những rào cản ở Quốc hội Mỹ, theo AFP.
Mục tiêu trọng tâm trong chính sách ngoại giao của ông Obama là chiến lược tái cân bằng hay “xoay trục” sang châu Á. Bà Hillary Clinton, lúc còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, là người xúc tiến chiến lược này với mục tiêu tăng cường thêm nguồn lực kinh tế, an ninh, ngoại giao dồn về châu Á sau một thập niên Mỹ sa lầy vào những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, cuộc chiến hao tốn tiền của ở Afghanistan và Iraq.
Thỏa thuận TPP đạt được vào ngày 5.10 “tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh của chúng ta trong một khu vực quan trọng trong thế kỷ 21”, ông Obama nói.
Đáng chú ý là TPP với 12 quốc gia thành viên hiện chiếm 40% GDP toàn cầu không có sự tham gia của Trung Quốc, theo AFP.
Ngay khi vào Nhà Trắng làm việc cách đây gần 7 năm, ông Obama đã nhấn mạnh chiến lược xoay trục châu Á-Thái Bình Dương.
“Tương lai của Mỹ và châu Á liên kết chặt chẽ với nhau”, Tổng thống Obama khẳng định trong bài phát biểu ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 11.2009 trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông. Lúc bấy giờ, ông Obama cũng khẳng định mục tiêu của Washington là “tăng cường quan hệ với những đồng minh hiện hữu và xây dựng những mối quan hệ đối tác mới” trong khu vực.
Chuyên gia Douglas Paal, thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace (chuyên nghiên cứu chính sách ngoại giao), nhận định sự kiện đạt thỏa thuận TPP tại thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ) là “một nguồn năng lượng mới” cho chiến lược xoay trục và tăng cường vị thế của Mỹ ở châu Á.
Trong những thập niên trước, nhiều người có thể tranh luận rằng Washington chỉ “tiếp tục can dự về mặt quân sự thời hậu chiến tranh thế giới lần 2” ở châu Á, nhưng nay Mỹ tăng cường nỗ lực ngoại giao ở châu Á kể từ thập niên 1990, ông Paal, từng là một nhà ngoại giao Mỹ, cho biết.
Mỹ dùng TPP đối trọng với Trung Quốc
Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 9.2015, Tổng thống Obama đã thận trọng khẳng định các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải tạo ra một đối trọng với Trung Quốc.
Hàng hoá xuất khẩu tại một cảng biển Trung Quốc. Tổng thống Mỹ tuyên bố không thể để những quốc gia như Trung Quốc tự làm luật với nền kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters
|
“Khi trên 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta ở cách xa chúng ta, chúng ta không thể để những quốc gia như Trung Quốc tự làm luật với nền kinh tế toàn cầu”, ông Obama nhấn mạnh. Nhưng phát biểu này chỉ được đưa ra trong nội bộ chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama (đảng Dân chủ) chưa thật sự giành được chiến thắng với TPP bởi vì TPP có nguy cơ bị Quốc hội đo đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu phủ quyết, theo AFP. Bên cạnh đó, một số nhà làm luật Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại TPP sẽ làm mất đi nhiều công ăn việc làm cho dân Mỹ.
Theo một dự luật được thông qua hồi tháng 6.2015, Quốc hội Mỹ có quyền bỏ phiếu thông qua hay không thông qua TPP, nhưng không có quyền điều chỉnh TPP.
Ông Paal nhận định nếu TPP thật sự là “một lời cảnh báo dành cho Bắc Kinh” rằng Mỹ muốn củng cố sức ảnh hưởng ở châu Á, thì có khả năng Trung Quốc sẽ tham gia TPP.
“Nếu Trung Quốc hoàn tất tiến trình cải cách kinh tế thành công, về mặt lý thuyết có thể khoảng 2-5 năm, thì họ sẽ gia nhập TPP”, ông Paal cho hay.
12 nước đạt được thỏa thuận TPP sau 7 năm đàm phán là: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như các loại bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.
Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
Các nước tham gia đàm phán TPP đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.
|
Bình luận (0)