'TPP là liều thuốc thử cho ngành nông nghiệp Việt Nam'

07/10/2015 17:46 GMT+7

(TNO) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã nhận định như trên khi nói về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ( TPP ).

(TNO) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã nhận định như trên khi nói về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

nong-san-VN-se-bot-le-thuoc-thi-truong-TQNông sản Việt Nam sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu - Ảnh: Phan Hậu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, TPP là đòn bẩy thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam. Trong đó, trọng tâm, định hướng Việt Nam mong muốn là vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp sẽ gia tăng. Ngành nông nghiệp hấp thụ được khoa học kỹ thuật công nghệ, trình độ quản lý mới để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản.
Đặc biệt, TPP được kỳ vọng giúp đầu ra nông sản Việt Nam từng bước giảm đi áp lực và sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc truyền thống. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2015, xuất khẩu vào Trung Quốc, rau quả chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 64% tổng khối lượng xuất và 62% nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
TPP sẽ giúp quá trình điều chỉnh tái cơ cấu xuất khẩu nông sản diễn ra nhanh hơn khi tiếp cận được các thị trường của các quốc gia thành viên. Trong đó, Mỹ và Nhật là hai thị trường dự báo sẽ gia tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Hiện tại, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu vào Mỹ là 19% và Nhật Bản là 16%.
Bên cạnh thuận lợi trên, ông Hà Công Tuấn cũng cho rằng, TPP cũng tạo ra không ít thách thức cho nền nông nghiệp Việt Nam khi hầu hết các mặt hàng đều giảm tới 90% thuế và tiến tới 0%, tạo ra sức cạnh tranh rất lớn. Trong khi đó, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm.
“TPP đang là liều thuốc thử cho ngành nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải có sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước, đổi mới hoạt động ở các doanh nghiệp và chuyển đổi các mô hình sản xuất ở người nông dân, nếu không, nông nghiệp Việt Nam sẽ thua trên sân nhà”, ông Tuấn nói.
Bà Lâm Thúy Ái, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Mebipha, đơn vị cung cấp sản phẩm thuốc thú ý phục vụ ngành chăn nuôi, cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn “loạng choạng” trước thềm TPP. Bởi để một doanh nghiệp thay đổi cách quản lý, áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, tối thiểu sẽ cần tới 2 năm tái cơ cấu.
"Khi sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào các thị trường TPP, đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng về nguyên liệu sử dụng trong quá trình chăn nuôi. Muốn hội nhập và phát triển, doanh nghiệp phải tuân thủ luật trong một sân chơi chung. Điều này cũng có lợi cho cả người tiêu dùng khi được sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng", bà Ái nói.
Cũng theo bà Lâm Thúy Ái, riêng về thị trường các sản phẩm thuốc thú y của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong TPP. Hiện tại, trình độ kỹ sư và nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thuốc thú y của Việt Nam không thua kém, thậm chí nhiều sản phẩm còn nổi trội hơn nước ngoài. Khi cánh cửa TPP mở ra, ngành thú y Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm.
Nhận định TPP mở ra cơ hội lớn, tạo đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp Việt Nam, song tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) quan ngại trước sức ép cạnh tranh, nhìn từ năng lực của doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay.
Theo ông Đặng Kim Sơn, nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế, nông dân sản xuất giỏi nhưng điểm yếu nhất hiện nay là khoa học công nghệ chưa được ứng dụng nhiều; công nghệ chế biến yếu kém nên sản phẩm chủ yếu xuất thô, giá trị kinh tế không cao.
Trong khi đó, nếu đầu tư vào ngành nông nghiệp, các công ty đa quốc gia ngoài sức mạnh về vốn, còn rất mạnh về công nghệ chế biến sau thu hoạch. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ chế biến thì phần lớn lợi nhuận trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sẽ rơi vào tay các công ty nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.