TP.Thủ Đức cam kết không đẩy khó cho dân

28/01/2021 06:16 GMT+7

Bước sang ngày làm việc chính thức thứ 3, công tác giải quyết thủ tục hành chính ở TP.Thủ Đức đã phát sinh một số chệch choạc nhưng chính quyền cam kết sẽ không đẩy cái khó cho người dân.

Sáng 27.1, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của TP.Thủ Đức đã thay đổi bảng hiệu kèm theo khu vực được quy ước: khu vực 1 là Q.2 cũ, khu vực 2 là Q.9 cũ và khu vực 3 là Q.Thủ Đức cũ.

Người dân thành phố Thủ Đức được đổi giấy tờ miễn phí

Chờ sao y mất một ngày !

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính khu vực 2 (2/304 xa lộ Hà Nội, P.Hiệp Phú), số lượng người đến làm hồ sơ nườm nượp, tập trung đông nhất tại khu vực làm việc của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bà Trần Thị Sen, ngụ P.Tăng Nhơn Phú, lúc hơn 10 giờ nhận số thứ tự lớn hơn 130, trong khi bảng điện tử hiện số 49, tức là phải chờ hơn 80 lượt nữa mới có thể làm thủ tục. Bà Sen đến làm thủ tục giao dịch đảm bảo sau khi TP.Thủ Đức chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.
Nhiều người khi thấy số thứ tự quá lớn đành ra về, bởi thời gian giải quyết thủ tục cho mỗi trường hợp mất chừng 4 - 6 phút trong khi chỉ còn khoảng 1 giờ làm việc. Tuy nhiên, bà Sen cho biết sẽ nán lại ngồi chờ ở gần điểm tiếp nhận để chiều đến sớm bấm số thứ tự. Trước đó ít ngày, người phụ nữ này cũng đến công an làm giấy xác nhận CMND nhưng cán bộ thụ lý hẹn hôm khác quay lại vì chưa có con dấu.
Do chờ quá lâu mà chỉ có một vài nhân viên xử lý, một số người dân đã đề nghị tăng cường các quầy xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, đề nghị này chưa thể được đáp ứng ngay.

Thành phố Thủ Đức: Diện tích, dân số và những điều cần biết

Trong khi đó, nhiều người đến làm hồ sơ tại điểm tiếp nhận và trả kết quả ở khu vực 1 (số 45 Nguyễn Thanh Sơn, P.Thạnh Mỹ Lợi) đánh giá việc giải quyết khá nhanh, đáp ứng được yêu cầu. Còn tại bộ phận một cửa khu vực 3 (số 48 Thống Nhất, P.Bình Thọ), người dân tập trung đông làm các thủ tục về đất đai, xây dựng...
Một cán bộ tư pháp ở khu vực này cho biết các giấy tờ cần sao y công chứng sau khi tiếp nhận tại bộ phận một cửa khu vực 3 sẽ được chuyển về trụ sở UBND TP.Thủ Đức (số 168 Trương Văn Bang) xác nhận và đóng dấu. “Nếu tiếp nhận vào buổi sáng thì chiều người dân mới có thể nhận lại hồ sơ. Các thủ tục sao y, chứng thực vẫn đảm bảo trả hồ sơ trong ngày nhưng nếu người dân cần gấp, có thể đến trụ sở UBND các phường để được giải quyết nhanh hơn”, cán bộ này nói.

Chệch choạc vì “thời điểm chuyển giao”

Một lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết cách phân chia TP.Thủ Đức thành 3 khu vực tương ứng với 3 quận cũ nhằm tạo điều kiện cho người dân nộp hồ sơ ở nơi gần nhất, tránh tập trung về một nơi. Tuy nhiên, cách phân chia này phát sinh tình huống sau khi nhận hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, cán bộ phải ôm hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn để giải quyết. Mặt khác, nhiều giấy tờ chỉ có trưởng phòng hoặc lãnh đạo UBND TP.Thủ Đức ký mới có giá trị pháp lý sẽ dẫn đến tình trạng hồ sơ dồn về một chỗ.
Ông Võ Tấn Quan, Chánh văn phòng HĐND và UBND TP.Thủ Đức, nhìn nhận việc cán bộ phải ôm hồ sơ từ nơi này qua nơi khác để giải quyết “hơi bất tiện cho cán bộ nhưng không có cách nào khác bởi đang trong thời điểm chuyển giao và không thể đẩy cái cực của mình cho người dân”.
“Quan điểm của lãnh đạo TP.Thủ Đức là những gì liên quan đến hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp phải ưu tiên xử lý hàng đầu, kể cả những khó khăn về tổ chức, cơ chế”, ông Quan khẳng định và cho biết hiện văn phòng và các phòng ban chuyên môn triển khai đề án thực hiện chữ ký số và chữ ký điện tử để sau này có thể xử lý hồ sơ tại chỗ. Tuy nhiên, việc triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử cần có lộ trình và phải thực hiện đồng bộ mới giải quyết được tình trạng cán bộ ôm hồ sơ đi nhiều nơi.
Cũng theo ông Quan, hiện các phòng ban mới có quyết định bổ nhiệm trưởng phòng, chưa có phó trưởng phòng, trong khi khối lượng công việc cần phải xử lý của một số phòng ban rất lớn nên có thể hồ sơ sẽ “chậm một tí”. Cán bộ thụ lý cần giải thích cho người dân hiểu trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ có một vài sự chệch choạc, để người dân chia sẻ và thông cảm. Ngoài ra, UBND TP.Thủ Đức nhận định áp lực công việc của cán bộ, công chức vào thời điểm này rất lớn nhưng vẫn phải giữ hòa nhã, nhẹ nhàng trong giao tiếp, ứng xử để tạo sự đồng thuận, chia sẻ của người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo phòng ban cũng phải ra bộ phận nhận hồ sơ để trao đổi, hỗ trợ người dân.

Chủ tịch 41 tuổi của UBND thành phố Thủ Đức là ai?

Thành lập BHXH TP.Thủ Đức

• Kiện toàn nhân sự phường Thủ Thiêm và An Khánh mới
Chiều 27.1, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, công bố quyết định thành lập BHXH TP.Thủ Đức trực thuộc BHXH TP.HCM. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.2.
Theo đó, BHXH TP.Thủ Đức có trụ sở tại trụ sở BHXH Q.2 cũ; có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; có chức năng giúp Giám đốc BHXH TP.HCM tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Quản lý thu, chi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP.Thủ Đức theo quy định.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách BHXH TP.Thủ Đức kể từ ngày 1.2; ngoài ra còn có 7 phó giám đốc, trong đó bà Nguyễn Thị Minh Hòa, nguyên Giám đốc BHXH Q.Thủ Đức, giữ chức vụ Phó giám đốc thường trực…
* Cùng ngày 27.1, Thành ủy Thủ Đức (TP.HCM) công bố quyết định thành lập Đảng ủy, HĐND, UBND và nhân sự tại P.Thủ Thiêm mới (sáp nhập từ P.Thủ Thiêm và P.An Khánh) và P.An Khánh mới (sáp nhập từ P.Bình An và P.Bình Khánh).
Trước lo ngại tên P.An Khánh mới có thể gây nhầm lẫn với tên P.An Khánh cũ (sáp nhập vào P.Thủ Thiêm), ông Nguyễn Phước Hưng, Phó bí thư Thành ủy Thủ Đức, cho hay khu vực này trước đây là xã An Khánh thuộc H.Thủ Đức cũ nên chuyển tên P.An Khánh từ phường cũ sang phường mới nhằm để giữ lại tên gọi lịch sử của vùng đất.
Duy Tính - Sỹ Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.