TP.Thủ Đức gánh nhiều bất cập

Đình Sơn
Đình Sơn
18/05/2023 06:05 GMT+7

Khi mới thành lập, TP.Thủ Đức (TP.HCM) được kỳ vọng sẽ là một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển, có thể đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước... Thế nhưng sau gần 3 năm thành lập, TP.Thủ Đức vẫn phát triển chậm.

MỌI THỨ CÒN KHÓ KHĂN HƠN

Mới đây, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành, địa phương (DDCI) trên địa bàn TP năm 2022. Đối với khối địa phương, TP.Thủ Đức đứng cuối bảng với điểm số 49,69. Bà V.N.H, một cư dân tại TP.Thủ Đức, bức xúc khi được hỏi về câu chuyện này: "Chưa nói đến chuyện lớn lao, riêng cái chuyện chó chạy đầy đường, con nào con nấy to như con bê là môi trường sống mất điểm rồi". "Họ cứ ra công văn sẽ bắt chó thả rông, chạy rông nhưng chả thấy ai bắt nổi, mà mấy con chó ở Thủ Đức to như con bê, nhìn khiếp đảm", bà H. nói mà giọng vẫn chưa hết hãi hùng.

TP.Thủ Đức gánh nhiều bất cập - Ảnh 1.

Nhu cầu làm hồ sơ về nhà đất tại TP.Thủ Đức luôn trong tình trạng quá tải

ĐÌNH SƠN

Bà Thái Hà, một người dân sống ở P.Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức), cũng nói thẳng kết quả đánh giá trên đúng với thực tế hiện nay của TP.Thủ Đức. Bởi kể từ khi sáp nhập 3 quận Thủ Đức, 2, và 9 để thành lập TP.Thủ Đức vào tháng 12.2020 đến nay thì người dân càng mệt mỏi hơn bởi thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, trong khi phát triển thì không thấy, thậm chí đi thụt lùi so với trước khi thành lập. 

"Dẫu biết rằng TP mới thành lập cần thời gian để ổn định, thích nghi và phát triển, nhưng đến nay đã mấy năm rồi mà không thấy chuyển biến, đột phá, thậm chí ngưng trệ. Các công ty lĩnh vực xây dựng, dịch vụ giải tán hết vì không có việc làm. Trong khi đó, khi người dân đi nộp hồ sơ về xây dựng, đất đai thì chậm. Một hồ sơ cứ nộp vào rồi đẩy ra, rất nhiêu khê", bà Thái Hà nói và cho biết thêm điều khiến người dân bức xúc nhất hiện nay là trong khi ở các quận huyện khác đất dân cư xây dựng mới được đảm bảo quyền lợi thì TP.Thủ Đức "treo" hết. Ngoài ra, người dân cũng bị hạn chế rất nhiều về mật độ xây dựng. Cùng một con đường, nếu trước đây được xây dựng 3 tầng thì nay chỉ xây dựng được có 1,5 tầng, phía trước còn bắt lùi vào 2,4 m và phía sau lùi vào 1 m. "Có những quy định từ trên trời rơi xuống rất bất cập nhưng người dân không biết kêu ai", bà Thái Hà bức xúc.

Một người dân khác ở đây lại than phiền về việc liên thông một cửa, cấp phép xây dựng trực tuyến, vẫn biết là cải tiến tích cực để phục vụ người dân, nhưng những người già, người học thấp không thao tác được trên máy vi tính. Họ yêu cầu được nộp hồ sơ trực tiếp lại không được chấp thuận nên buộc phải thuê dịch vụ bên ngoài. "Chuyển đổi số là tốt nhưng cần làm có lộ trình. Khi mở ra cổng chính là nộp hồ sơ trực tuyến mà người dân không làm được thì cần có thêm cổng phụ là nộp trực tiếp để hỗ trợ kịp thời", người này nói.

Nhiều người dân ở P.An Phú thất vọng vì sau gần 3 năm thành lập thì những bất ổn trước đây vẫn tồn tại. Như con đường Nguyễn Hoàng dài chỉ hơn 1 km nhưng cả chục năm nay vẫn làm chưa xong. Khi TP.Thủ Đức được thành lập, người dân ở đây đã "cầu cứu" nhiều và kỳ vọng với những cơ chế đặc biệt, con đường sẽ sớm thoát cảnh "đau khổ", thế nhưng mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ khiến người dân thất vọng. Tình trạng này cũng tương tự như đường Lương Định Của. Tại nhiều cuộc họp tổ dân phố, người dân nêu ý kiến trực tiếp, đề nghị rất khẩn thiết lên chính quyền để sớm tháo gỡ các vướng mắc này nhưng vẫn chưa có kết quả.

VẪN PHẢI LÊN TP.HCM XIN Ý KIẾN

Ông Minh Quang, Giám đốc Công ty dịch vụ đo vẽ, xây dựng Minh Quang, đóng trên địa bàn TP.Thủ Đức, nhận xét từ khi lên TP, Thủ Đức không những không phát triển mà cảm giác như đang đi lùi, người dân càng khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Điển hình như ở khâu cấp phép xây dựng, mỗi cán bộ tiếp nhận hồ sơ có cách giải quyết khác nhau, không có một quy trình thống nhất. Sở dĩ có tình trạng này bởi TP.Thủ Đức được "gom" lại từ 3 quận. Trước khi sáp nhập, mỗi quận xử lý theo một cách khác nhau và giờ vẫn giữ cách làm việc như trước. Không những vậy, việc sáp nhập từ 3 quận lại làm một đã khiến bộ máy cồng kềnh hơn, nhân sự cũng đang "rối", từ đó phát sinh nhiều bất ổn hơn.

Là doanh nghiệp có dự án bất động sản trên địa bàn TP.Thủ Đức, lãnh đạo Công ty LQP cho biết hiện nay mọi thủ tục liên quan đến dự án, doanh nghiệp vẫn phải lên TP.HCM để "xin" ý kiến và người dân cũng vậy. Đến nay không có gì thay đổi.

Một lãnh đạo của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức cho biết hệ thống phần mềm nhận hồ sơ trực tuyến vẫn là phần mềm miễn phí, dùng thí điểm, không an toàn, nên cũng hạn chế. Nếu phần mềm được nghiệm thu chính thức thì dữ liệu cũng được nghiệm thu, đồng nghĩa với độ chính xác sẽ cao hơn. Đây là tiền đề để cấp giấy qua mạng được nhanh chóng, an toàn. Dù đã có nhiều kiến nghị sớm nghiệm thu và đưa phần mềm này vào triển khai chính thức nhưng lãnh đạo TP vẫn chưa "gật đầu".

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND P.Bình Trưng Đông phân trần đến nay sau gần 3 năm thành lập nhưng TP.Thủ Đức vẫn chưa có được cơ chế đặc thù để bứt phá. Trong khi đó việc "gom" 3 quận làm một đã khiến bộ máy cồng kềnh hơn, hoạt động không được trơn tru. Từ đây đã khiến cho việc giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính chậm hơn so với trước khi sáp nhập. Như việc các phường gửi phương án cưỡng chế những trường hợp xây dựng sai phép, không phép, xây nhà trên đất nông nghiệp để UBND TP.Thủ Đức phê duyệt phương án. Dù phường đã trình phương án lên TP.Thủ Đức nhiều lần, nhưng đã hơn 6 tháng vẫn chưa được phê duyệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thực thi pháp luật, đặc biệt là tình trạng vi phạm xây dựng đang rất nóng ở các địa phương.

Là điểm nóng về giao dịch bất động sản, khi 3 quận sáp nhập để "nâng cấp" lên TP.Thủ Đức đã khiến khu vực phía đông TP.HCM càng thêm nhộn nhịp, ngay cả thời điểm Covid-19 bùng phát và kinh tế khó khăn hiện nay. Hằng ngày nơi đây tiếp nhận từ 300 - 400 hồ sơ liên quan đến đất đai. Dù vậy, tại thời điểm mới thành lập do chưa có văn phòng nên nơi đây phải lấy một trường học để làm trụ sở. 

Do quá tải nên việc tiếp nhận hồ sơ của người dân phải thực hiện ở 3 nơi khác nhau. Không chỉ vậy, người thiếu, hạ tầng thiếu và yếu đã dẫn đến tình trạng hồ sơ của người dân bị trễ hẹn rất nhiều. Có những hồ sơ trễ hẹn mấy tháng vẫn chưa thể đóng được tiền sử dụng đất, đóng thuế để cấp sổ hồng. Mãi đến đầu năm 2023, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức mới được tập trung về một mối. 

Tuy nhiên đến nay, tình trạng hồ sơ của người dân bị trễ hẹn vẫn diễn ra. Một lãnh đạo của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức than vãn hiện nay TP.Thủ Đức có 6 khu lưu trữ hồ sơ nhà đất của người dân, bố trí ở 6 nơi và đều không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy nên bị phạt. Dù TP.Thủ Đức có nhiều đất công bỏ hoang, nhưng khi xin để xây dựng một khu lưu trữ an toàn, tiện lợi thì không được. Đó là những bất cập góp phần khiến TP.Thủ Đức chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.