Vậy là, các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là hai tỉnh đầu nguồn nói trên đã bắt đầu trả giá cho lúa vụ 3 của mình. Đây là một cái giá rất đắt đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước nhưng cả Bộ NN-PTNT lẫn lãnh đạo các tỉnh vẫn cố làm.
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong chuyến thị sát tình hình lũ lụt mới đây tại ĐBSCL, ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nói cứng: “Đây là năm đầu tiên các tỉnh ĐBSCL chính thức phát động nông dân trồng lúa thu đông nên không để dân mất lòng tin đồng thời tạo tiền đề để mở rộng diện tích trong những năm tới”. Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng “tỏ rõ quyết tâm” không kém khi đôn quân thúc lính “bằng mọi giá” phải giữ đê cứu lúa.
Tuy nhiên, tình hình lũ tại ĐBSCL trong những ngày qua đã không “chiều lòng” các vị lãnh đạo. Sẽ khó để đưa ra con số chính thức lúc này là vụ 3 năm nay, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp sẽ bị thiệt hại bao nhiêu diện tích vì rằng, mỗi ngày một tuyến đê vỡ, lại thêm vài trăm hecta lúa buộc phải cúng cho thủy thần.
Không phải đến hôm nay, khi hàng ngàn hecta lúa bị lũ nhấn chìm và mất sạch, các chuyên gia mới nói đến mức độ nguy hiểm khi Bộ NN-PTNT chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL gieo sạ thêm 100 ngàn hecta lúa vụ 3 mà ngay từ đầu vụ, nhiều người đã đưa ra lời cảnh báo rằng các tỉnh sẽ phải trả giá đắt khi “khuyến khích” nông dân trồng lúa vụ 3 trong khi hệ thống đê bảo vệ lúa còn rất sơ sài, tạm bợ.
Để gieo sạ 130.000 hecta lúa vụ 3 năm nay, tỉnh An Giang sẽ phải quản lý tổng chiều dài các tuyến đê lên tới 1.000 km! Ngần ấy chiều dài các tuyến đê, lại ở trong tình trạng sơ sài không được gia cố, không vỡ đê mới là chuyện lạ. Suốt 11 năm qua, kể từ trận lũ lịch sử năm 2000, ĐBSCL không có lũ lớn, thậm chí có những năm hoàn toàn không có lũ về, đó là cơ sở để sự chủ quan của các nhà quản lý có dịp “phát huy” chăng? Lại nữa, năm nay Chính phủ giao ngành nông nghiệp tìm giải pháp để tăng sản lượng lúa lên 1 triệu tấn, thế là Bộ NN-PTNT vội vàng “khuyến khích” nông dân trồng lúa vụ 3, trong khi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là lũ lớn thì lại không được chú trọng.
Trả lời các cơ quan báo chí về lúa vụ 3 ở ĐBSCL, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Bộ NN-PTNT chỉ khuyến khích chứ không ép dân trồng lúa vụ 3.
Cách đây chừng 10 năm, một cuộc hội thảo tại Bình Định về việc có nên trồng lúa vụ 3 ở các tỉnh miền Trung nữa không? Sau một ngày bàn thảo với nhiều ý kiến trái chiều, cuối cùng hội nghị đi đến kết luận: Hủy lúa vụ 3 trong toàn miền Trung. Quyết định đó vẫn đúng cho đến hôm nay. Nói như thế không có nghĩa là hủy lúa vụ 3 ở ĐBSCL mà các nhà hoạch định chiến lược cho cây lúa cũng nên chú ý đến hệ thống đê bảo vệ lúa trước khi khuyến khích nông dân vãi giống xuống ruộng.
Trà Sơn
Bình luận (0)