Trả giá đắt

12/03/2012 02:25 GMT+7

Việc giới chủ nợ tư nhân chấp thuận xóa phần lớn nợ cho chính phủ Hy Lạp đã mở đường cho nước này nhận được viện trợ tài chính mới từ EU và kịp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Cũng có thể nói là EU đã thành công với cách giải cứu lần này. Nhưng cả EU và Athens đều phải trả giá đắt chưa từng thấy.

Lần đầu tiên trong lịch sử EU có một thành viên phải nhờ cậy vào “lòng thương” các chủ nợ tư nhân thì mới không vỡ nợ. Đương nhiên có phần đóng góp quan trọng của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng chỉ có vậy thì đâu có đủ. Cứu được Hy Lạp thật đấy nhưng cả EU lẫn IMF lại bộc lộ giới hạn khả năng của chính họ, chẳng khác “vạch áo cho người xem lưng”.

Hy Lạp là một trong số 17 nước EU sử dụng đồng euro. Liên minh tiền tệ này vốn là niềm tự hào của EU, được coi là biểu tượng, hạt nhân và động lực cho toàn bộ quá trình hợp tác và liên kết châu lục. Vậy mà Hy Lạp lại khủng hoảng trầm trọng đến vậy. Cứu được Athens nhưng EU phải chấp nhận tự thay đổi cơ bản đến mức trong thực chất không còn như trước nữa. Những thay đổi ấy tạo ấn tượng là mô hình liên kết và hợp tác châu lục của EU đã trở nên bất cập và kém hiệu quả.

Cái giá thật đắt nhưng vẫn phải trả. EU không thể không cứu Hy Lạp vì nếu không thì chắc chắn nước này và thêm một vài thành viên khác nữa sẽ vỡ nợ. Khi đó, EU và đồng euro sẽ lâm vào khủng hoảng về mục đích và khả năng tồn tại. Đến lúc ấy thì trả giá gì cũng đều quá muộn.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.