Ngày 27.12, TAND H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử 5 bảo vệ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành về tội hủy hoại tài sản của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch), người bị Công an H.Nhơn Trạch bắt và giam giữ trái luật, sau đó phải thả ra và xin lỗi công khai.
Các bị cáo gồm: Lê Văn Lang (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm); Trương Văn Lớn (Đội phó bảo vệ rừng ngập mặn); Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc); Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ); Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông).
tin liên quan
'Tố cáo cát tặc, bị bắt giam': Tạm đình chỉ công tác thượng tá Trương Quốc HiếuThượng tá Trương Quốc Hiếu - phó trưởng Công an H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) và thiếu tá Nguyễn Văn Sơn - Đội phó Đội điều tra Tổng hợp Công an H.Nhơn Trạch đã bị tạm đình chỉ công tác.
Theo cáo trạng, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành ký hợp đồng giao khoán 18 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tắc Hông, sông Thị Vải (thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An) cho ông Nguyễn Văn Lộc (ngụ xã Phước An) quản lý, bảo vệ rừng và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đến tháng 7.2014, ông Lộc đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tiếp tục thực hiệp hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành.
Vào tháng 2.2016, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành phát hiện bà Ngọc tự ý xây dựng chòi canh tôm bằng bê tông cốt thép với diện tích khoảng 20 m2 ngay giữa đùng tôm nên đã cử lực lượng bảo vệ đến ngăn chặn.
Tại đây giữa hai bên xảy ra xô xát, sau đó, 5 bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc (trị giá 4 triệu đồng) xuống đầm tôm gây hư hỏng. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an H.Nhơn Trạch xác định số xi măng (trị giá 3,4 triệu đồng) và sắt thép (trị giá hơn 300 ngàn đồng) của bà Ngọc bị ném xuống đùng tôm đã bị hư hỏng hoàn toàn.
Tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và cho rằng do nóng vội nên gây ra sai phạm. Đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành, ông Vũ Thanh Bình, Phó giám đốc, cũng đã gửi lời xin lỗi đến bà Ngọc và gia đình và thừa nhận các hành vi của nhân viên là chưa đúng.
Phía bà Ngọc thì cho rằng do bà nhiều lần tố cáo các lực lượng chức năng có dấu hiệu bảo kê cho “cát tặc” làm ảnh hưởng đến môi trường và người nuôi tôm trong khu vực nên các bảo vệ hành xử như vậy để trả thù.
Trong phần tranh luận, luật sư đại diện của bị hại án đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vì còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều lời khai tại tòa còn mâu thuẫn.
Sau một ngày xét xử, đến 17 giờ cùng ngày (27.12), HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra lại.
Bình luận (0)